Ngày 11/7, 10 ngày sau khi Luật đất đai có hiệu lực, Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận và Trung tâm hỗ trợ hội nhập WTO (Viện nghiên cứu phát triển TP HCM) đã có buổi tọa đàm: "Tác động của Luật Đất đai 2013 đến các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng".

Tại tọa đàm, các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng cho biết họ gặp nhiều khó khăn khi áp dụng Luật đất đai 2013. Cụ thể, Điều 149.2 của luật quy định: Doanh nghiệp đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất thuê đất của nhà nước: (i) nếu trả tiền thuê đất hàng năm thì chỉ được cho thuê lại đất với hình thức trả tiền thuê đất hàng năm; (ii) nếu trả tiền thuê đất một lần thì được cho thuê lại với hình thức trả tiền thuê đất một lần hoặc trả hàng năm.

Ông Trần Hồng Sơn, Tổng giám đốc Công ty CP Long Hậu cho rằng, hiện nay đa số các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất thuê đất của nhà nước theo hình thức trả tiền thuê đất hàng năm và cho thuê lại theo hình thức trả tiền một lần (Luật Đất đai 2003 cho phép) nhờ đó doanh nghiệp có vốn để đầu tư; đồng thời doanh nghiệp thuê lại đất (trả tiền thuê một lần) cũng có thể sử dụng quyền sử dụng đất để thế chấp vay vốn ngân hàng. "Nay với quy định mới này thì doanh nghiệp sẽ khó khăn", ông Sơn nói.

26_110926doolthangtt120_ugju.jpgMột vài điều luật chưa phù hợp với các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng. (Ảnh: Internet)
Nhưng đó chưa phải vấn đề doanh nghiệp đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất lo. Điều 210.2 luật mới còn quy định (điều khoản chuyển tiếp): Doanh nghiệp đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất được nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm mà đã cho thuê lại đất có kết cấu hạ tầng theo hình thức trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian trước ngày 1/7/2014 thì phải nộp tiền cho nhà nước theo quy định của Chính phủ (hồi tố), tức là doanh nghiệp đầu tư hạ tầng phải đóng tiền thuê đất một lần đối với phần diện tích đã cho thuê và phần diện tích sắp cho thuê - nếu muốn thu tiền thuê đất một lần của khách hàng.

Theo tính toán của ông Sơn, nếu thực hiện Điều 149.2 và Điều 210.2, thì Công ty cổ phần Long Hậu phải đóng ngay số tiền khoảng 385 tỉ đồng do Khu công nghiệp Long Hậu đã lấp đầy 70% diện tích.

Tại tọa đàm, "cái vướng" của Công ty cổ phần Long Hậu cũng là nỗi lòng của các công ty: Công ty CP khu công nghiệp Hiệp Phước, Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận… Vì vậy, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp khu công nghiệp TP HCM kiến nghị: "Nhà nước cho phép công ty hạ tầng được ghi nợ và nộp tiền thuê đất theo phần kỳ trong vòng 5 năm kể từ ngày 1/7/2014".

Tuy nhiên, ông Trần Đình Hạnh, Phó Cục trưởng Cục kinh tế và phát triển quỹ đất, Tổng cục Quản lý Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc luật quy định như trên là hợp lý vì "nghĩa vụ của doanh nghiệp đến đâu thì quyền lợi của anh đến đó", tức là "doanh nghiệp đóng tiền sử dụng đất cho nhà nước từng năm thì doannh nghiệp chỉ được thu của khách hàng từng năm, đóng một lần thì thu một lần", ông Hạnh nói.

Theo ông Phan Chánh Dưỡng, chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, quy định của luật chỉ hợp lý khi áp dụng đối với các trường hợp phát sinh sau ngày 1/7/2014 (tuy có gây khó cho doanh nghiệp); "với các trường hợp, đã diễn ra trước ngày 1/7/2014 mà hồi tố thì thật sự vô lý", ông Dưỡng nói. Theo ông Dưỡng, nguyên tắc bất hồi tố cần phải được tôn trọng./.