Luật Đất đai sửa đổi năm 2013 vừa chính thức có hiệu lực thi hành từ 1/7, nhằm góp phần đảm bảo sự minh bạch, công khai và quản lý chặt chẽ hơn lĩnh vực liên quan đến hầu hết người dân trên cả nước.
Những nội dung mới được quy định trong Luật Đất đai sửa đổi đã đặc biệt thu hút sự quan tâm của dư luận.
Trao đổi với PV VOV, bà Hoàng Vân Anh, Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế Tổng cục Quản lý Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết, những đổi mới trong Luật Đất đai sửa đổi sẽ tạo điều kiện cho người dân cũng như doanh nghiệp thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình.
PV: Những điểm mới trong Luật Đất đai sửa đổi có ảnh hưởng như thế nào đến người dân, nhà đầu tư và các doanh nghiệp bất động sản?
Bà Hoàng Vân Anh: Luật Đất đai sửa đổi sẽ có tác động sâu rộng tới mọi mặt trong cuộc sống, đặc biệt là với người dân và doanh nghiệp.
Với người dân, quyền và nghĩa vụ của người dân trong Luật Đất đai đã từng bước được hoàn thiện hơn. Ví dụ như với nông dân, những chính sách trong sử dụng đất nông nghiệp đã được hoàn thiện như quy định cụ thể thời hạn giao đất nông nghiệp cho hộ gia định, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp; hạn mức nhận chuyển quyền đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân đã được nâng lên. Nội dung sửa đổi này sẽ giúp người dân yên tâm hơn do được đầu tư sản xuất trên mảnh đất của mình và cũng tạo điều kiện cho người dân tập trung tích tụ đất đai để phát triển nông nghiệp theo mô hình sản xuất hàng hóa, thuận lợi cho việc cơ giới hóa, sản xuất nông nghiệp.
Về quyền lợi, các hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn chưa được Nhà nước giao đất, với Luật Đất đai sửa đổi, những đối tượng này sẽ được nhà nước giao đất theo hình thức chỉ định, thay cho hình thức trước đây là phải thực hiện đấu giá để nhận đất. Họ cũng được mở rộng quyền tham gia trong quy trình quản lý sử dụng đất của Nhà nước, bao gồm quá trình quy hoạch, lập kế hoạch sử dụng đất, bồi thường, tái định cư sau thu hồi đất,…
Đối với doanh nghiệp, quyền và nghĩa vụ của các tổ chức trong Luật Đất đai sửa đổi đã được hoàn thiện hơn. Ví dụ, trong quyền thế chấp giá trị quyền sử dụng đất: Trước đây, mục đích thế chấp chỉ là để sản xuất kinh doanh; còn trong Luật Đất đai sửa đổi, doanh nghiệp có thể sử dụng quyền này để vay vốn hoặc sử dụng với nhiều mục đích khác nhau.
Về vấn đề tiếp cận đất đai của doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài cũng đã loại bỏ được sự phân biệt giữa quyền của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước.
PV: Như vậy, khi áp dụng Luật sửa đổi, quyền lợi của người sử dụng đất sẽ bình đẳng hơn giữa người dân trong và ngoài nước, góp phần siết lại khâu quản lý sử dụng đất, hạn chế tình trạng ôm dự án, chạy dự án, giới hạn việc phân lô bán nền. Bà có thể phân tích rõ hơn về điều này?
Bà Hoàng Vân Anh: Điểm đổi mới quan trọng trong Luật Đất đai sửa đổi là thiết lập sự bình đẳng trong việc tiếp cận đất đai giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ nhất, Luật sửa đổi quy định cụ thể các trường hợp Nhà nước thu hồi đất; những dự án đặc biệt (thu hồi đất để phát triển kinh tế, xã hội, vì lợi ích quốc gia) không phụ thuộc vào dự án đó thuộc thành phần nào đầu tư mà tính chất những dự án thuộc diện cần thiết Nhà nước phải thu hồi đất, phụ thuộc vào tính chất quan trọng của dự án đối với lợi ích của quốc gia, cộng đồng.
Thứ hai, bình đẳng trong việc áp dụng các hình thức giao đất, cho thuê đất. Đây là một điểm thay đổi đột phá. Nếu trước đây có sự phân biệt giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài về việc áp dụng hình thức thuê đất, giao đất như giao đất có thu tiền chỉ áp dụng cho tổ chức trong nước. Với Luật sửa đổi, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng được áp dụng hình thức này đối với trường hợp doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư phát triển nhà ở để bán, để cho thuê. Với hình thức áp dụng thuê đất, quy định cho mọi doanh nghiệp trong nước và nước ngoài trong Luật sửa đổi đều bình đẳng.
Thứ ba, Luật Đất đai sửa đổi cũng bình đẳng hóa quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài trong quá trình thực thi luật.
PV: Một trong những điểm mới nữa là quy định xử lý mạnh tay hơn với những chủ đầu tư trong trường hợp không hoặc chậm đưa đất vào sử dụng. Vậy, tại sao Luật sửa đổi đặt ra thời hạn 24 tháng chậm tiến độ mới bị xử lý mà không phải là sớm hơn, thưa bà?
Bà Hoàng Vân Anh: Đây là một chế tài rất mạnh mẽ của Luật Đất đai sửa đổi. Trước đây, nếu không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ theo quy định của Luật cũ thì cơ quan thẩm quyền sẽ xem xét thu hồi hoặc có trường hợp sẽ không thu hồi. Khi thu hồi, Nhà nước sẽ xử lý phần giá trị đầu tư còn lại trên đất.
Đối với Luật Đất đai sửa đổi, sau khi nhà đầu tư làm chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng, Nhà nước cho các nhà đầu tư chậm thêm 24 tháng nữa so với luật cũ, cộng với biện pháp kinh tế bổ sung là nộp thêm một khoản tiền phạt. Sau 24 tháng, nếu nhà đầu tư vẫn không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ thì Nhà nước sẽ thu hồi và không bồi thường.
Về mốc thời gian 24 tháng, qua quá trình khảo sát ý kiến để xây dựng dự thảo luật, các bên đều cho rằng cần phải có thời gian đủ dài để các nhà đầu tư có thể thu xếp khắc phục, và chuẩn bị vốn đầu tư tiếp tục thực hiện dự án của mình. Ngoài ra, 24 tháng cũng là thời gian Luật hiện hành cho phép chậm tiến độ so với tiến độ được duyệt.
PV: Hiện nay, ngay cả ở thành phố lớn cũng xảy ra tình trạng đất bị bỏ hoang hoặc không được sử dụng đúng mục đích. Với Luật sửa đổi, tình trạng này sẽ được giải quyết như thế nào, thưa bà?
Bà Hoàng Vân Anh: Để khắc phục bất cập này, Luật sửa đổi có quy định, điều kiện để các chủ đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất,.. rất chặt chẽ. Quy định này sẽ góp phần giúp lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực thực sự để triển khai dự án.
Bên cạnh đó, Luật sửa đổi cũng có chế tài nghiêm để xử lý các trg hợp được Nhà nước giao đất, cho thuê đất mà không đưa vào sử dụng.
Luật sửa đổi cũng quy định hoàn thiện về chức năng tổ chức phát triển quỹ đất, như quỹ phát triển đất có chức năng giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất chuyên nghiệp,…
PV: Xin cảm ơn bà!./.