Phát biểu tại Diễn đàn mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) lần thứ 10 năm 2018 với chủ đề “Bước ngoặt mới. Kỷ nguyên mới”, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ chủ trương không cấp thêm giấy phép thành lập Ngân hàng có 100% vốn nước ngoài nhưng khuyến khích các ngân hàng nước ngoài mua các NHTM yếu kém và đang có nhiều ngân hàng nước ngoài quan tâm tới các thương vụ M&A (mua bán, sáp nhập) này.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, M&A đang diễn ra ngày càng sôi động tại Việt Nam và Việt Nam là địa chỉ hấp dẫn của các nhà đầu tư quốc tế, khi việc thu hút, giải ngân vốn FDI vẫn sôi động, là nền tảng tốt cho M&A. Bên cạnh đó, đầu tư gián tiếp vẫn có mua ròng, không có hiện tượng rút vốn.
Với Việt Nam, M&A có ý nghĩa quan trọng, giúp Chính phủ thực hiện hiệu quả nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế. Đồng thời, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế cũng tạo ra nhiều cơ hội M&A cho tất cả các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia.
Phó Thủ tướng cho rằng hoạt động M&A có thể bám sát các lĩnh vực trọng tâm khi cơ cấu lại nền kinh tế như: Tài chính - ngân hàng, doanh nghiệp Nhà nước, đổi mới hoạt động của khối đơn vị sự nghiệp công lập...
Cụ thể, trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, theo Phó Thủ tướng, nợ xấu đã giảm nhanh. Chính phủ chủ trương tái cơ cấu lại các tổ chức tín dụng. Trong đó với các ngân hàng thương mại (NHTM), Chính phủ khuyến khích mua bán, sáp nhập các ngân hàng quy mô nhỏ thành ngân hàng lớn hơn.
Tiếp tục cổ phần hoá, thoái vốn tại các ngân hàng thương mại Nhà nước
Phó Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ tiếp tục cổ phần hoá và thoái vốn tại các ngân hàng thương mại Nhà nước, như Agribank sẽ phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng vào năm 2019, hay BIDV sẽ bán vốn cho nước ngoài và phát hành thêm cổ phần để tăng vốn.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cơ cấu lại hoạt động của gần 40 công ty tài chính của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, kể cả bán chuyển nhượng vốn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang xây dựng đề án cụ thể để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định…
Đối với lĩnh vực tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), Chính phủ kiên trì nhất quán việc thu hẹp diện doanh nghiệp có 100% vốn Nhà nước, tiếp tục thoái vốn tại các DNNN đã cổ phần hoá lần đầu và đốc thúc các doanh nghiệp này niêm yết trên thị trường chứng khoán để tăng cường thông tin cho các nhà đầu tư.
Với các công ty nông, lâm nghiệp, Chính phủ đã ban hành chính sách cổ phần hoá, cho phép thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên cũng là một thị trường M&A đầy tiềm năng.
Trong lĩnh vực sự nghiệp công, Phó Thủ tướng khẳng định, ngoài bệnh viện và trường học, Chính phủ đã quyết định cho nhiều đơn vị sự nghiệp được cổ phần hoá khi có đủ điều kiện.
Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; tăng cường hệ thống pháp luật như: Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư… và sắp tới là sửa đổi Luật Chứng khoán… nhằm bảo đảm khung thể chế kinh tế, bảo vệ lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư; tháo gỡ các vướng mắc trong phát triển 5 loại thị trường (lao động, khoa học công nghệ, vốn, bất động sản, hàng hoá dịch vụ); đẩy mạnh cắt giảm các điều kiện kinh doanh.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Quyết định số 1232/QĐ-TTg vào tháng 8/2017 phê duyệt Danh mục doanh nghiệp có vốn Nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017-2020 và Quyết định số 991/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục DNNN hoàn thành cổ phần hóa theo từng năm giai đoạn 2017-2020. Đây là các dữ liệu quan trọng để các nhà đầu tư cân nhắc, xây dựng chiến lược thực hiện mua cổ phần, vốn tại các doanh nghiệp quan tâm. Riêng trong năm 2018, sẽ có hàng loạt các công ty phát điện (GENCO) của EVN sẽ cổ phần hoá. Bên cạnh đó là các công ty Thuốc lá Việt Nam, Vinacafe, Tập đoàn Cao su, Hoá chất…
CPTPP sẽ tạo ra làn sóng đầu tư, M&A quy mô lớn hơn tại Việt Nam
Phó Thủ tướng cũng cho biết hơn 10 Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với các khu vực, nền kinh tế khác trên thế giới (dự kiến cuối năm nay Quốc hội sẽ phê chuẩn Hiệp định CPTPP) sẽ tạo ra làn sóng đầu tư, M&A quy mô lớn hơn tại Việt Nam. Đặc biệt, Diễn dàn kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) dự kiến diễn ra vào tháng 9/2018 tại Hà Nội sẽ là các cơ hội trực tiếp hoạt động M&A.
Phó Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước góp ý cho Chính phủ, các bộ, ngành hoàn thiện hành lang pháp lý phát triển các dịch vụ tư vấn pháp luật, kiểm toán, định giá; xây dựng các mô hình kinh doanh, đầu tư mới trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật phát triển nhanh mạnh mẽ, đang dần thay đổi các mô hình kinh tế truyền thống hiện nay.
* Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, tại Việt Nam, tổng giá trị M&A năm 2017 đạt mốc kỷ lục với 10 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay và tăng trưởng 175% so với năm 2016. Trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam đạt 3,55 tỷ USD (bằng 155% cùng kỳ năm 2017). Tổng giá trị các thương vụ M&A từ năm 2009 đến nay đã đạt mức ấn tượng, khoảng 48,8 tỷ USD./.
Mua bán - sáp nhập doanh nghiệp thành công cao hơn nếu định giá tốt
Mua bán, sáp nhập doanh nghiệp: Doanh nghiệp nội lép vế
Doanh nghiệp FDI đẩy mạnh mua bán, sáp nhập tại thị trường TPHCM
Mua bán - sáp nhập doanh nghiệp: Những trở ngại cần tháo gỡ