Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn, sẽ được khởi công vào ngày 23/10 tới tại Khu Kinh tế Nghi Sơn – Thanh Hóa. Với tổng vốn đầu tư hơn 9 tỷ USD, đây là dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam.

Việc khởi công dự án trọng điểm này, cũng như con số 15 tỷ USD vốn đầu tư FDI của cả nước 9 tháng qua, vượt cả mục tiêu đặt ra, cho thấy Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Quan trọng hơn là hiệu quả và sức lan tỏa của dự án này đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

nghi-son1.jpg
Mô hình Dự án Lọc hó dầu Nghi Sơn

Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn là dự án lọc dầu liên danh đầu tiên của Việt Nam (trong đó PetroVietnam góp 25% vốn, Công ty dầu khí quốc tế Kuwait 35%, Công ty Idemitsu Nhật Bản 35%, Công ty hoá chất Mitsui Nhật Bản 4,7%) có quy mô rất lớn, công suất khoảng 200.000 thùng/ngày (tương đương 10 triệu tấn/năm).

Đây là một trong các dự án trọng điểm về an ninh năng lượng quốc gia. Khi đi vào vận hành thương mại vào năm 2017, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn cùng với Nhà máy lọc dầu Dung Quất có thể đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xăng dầu trong nước và cung cấp sản phẩm hóa dầu cho thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.

Đại diện chủ đầu tư, ông Korumuri Shimmura, Tổng giám đốc Công ty Lọc Hóa dầu Nghi Sơn nói: “Đây là dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam. Thành công dự án là yếu tố quan trọng thu hút thêm đầu tư vào Việt Nam. Dự án này góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, thực hiện chiến lược phát triển lĩnh vực hạ nguồn của công nghiệp chế biến dầu mỏ và khí, bao gồm các lĩnh vực lọc và hóa dầu, phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ. Thông qua dự án này, các nhà đầu tư Nhật Bản và Kuwait sẽ mở rộng thêm các cơ hội kinh doanh tại Việt Nam”.

Bên cạnh dự án Liên hợp lọc hóa dầu, Khu Kinh tế Nghi Sơn còn có nhiều dự án trọng điểm khác ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như của vùng và quốc gia như: Dự án Nhiệt điện Nghi Sơn 1 tổng vốn đầu tư 22.000 tỷ đồng; Dự án Nhiệt điện Nghi Sơn 2, tổng vốn đầu tư 2,3 tỷ USD, do liên doanh Tập đoàn Marubeni - Nhật Bản và Tập đoàn Kepco - Hàn Quốc đầu tư, Nhà máy Xi măng Nghi Sơn… Nằm trên trục giao thông Bắc Nam, lại có cảng biển nước sâu, Khu Kinh tế Nghi Sơn đang có nhiều điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư.

Trong Diễn đàn Xúc tiến đầu tư vào Khu Kinh tế Nghi Sơn và vùng phụ cận diễn ra tại Thanh Hóa vào ngày 23-24/10 tới, dự kiến sẽ có khoảng 4 tỉ USD của các dự án mới được rót vào Nghi Sơn thông qua việc ký thỏa thuận hợp tác và cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Tuy nhiên, thước đo hiệu quả của vốn FDI còn ở chỗ xác định được những ngành kinh tế trọng điểm để phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu, tạo thêm việc làm cho người lao động.

Ông Trần Hòa, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn cho biết: “Mới đây, Chính phủ, Bộ Kế hoạch Đầu tư cho phép mở rộng khu công nghiệp với quy mô 45.000 ha và trong quy hoạch sẽ mở rộng thêm một số công nghiệp sạch, nông nghiệp công nghiệp cao và một số dịch vụ để phục vụ Khu Kinh tế Nghi Sơn dưới sự lan tỏa của Dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn. Hiện, Khu Kinh tế Nghi Sơn đang tập trung cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ các nhà đầu tư giải quyết nhan thủ tục hành chính, mặt bằng…”.

Theo Bộ Kế hoạch Đầu tư, với hơn 15 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của cả nước trong 9 tháng qua, chúng ta đã vượt mục tiêu thu hút FDI đề ra cho cả năm nay (13 - 14 tỷ USD), tăng hơn 36% so với cùng kỳ năm trước. 

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung nhận định, mặc dù kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, dòng vốn FDI trên toàn cầu chưa phục hồi mạnh, các nước trong khu vực cũng đang đẩy mạnh thu hút đầu tư, thì Việt Nam vẫn giữ được sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn – dự án vốn FDI lớn nhất từ trước đến nay được khởi công tới đây là một minh chứng cụ thể.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư  Nguyễn Văn Trung cho rằng: “Từ 2010 trở về trước có thể nói là chúng ta thu hút FDI bằng mọi giá. Tuy nhiên, từ 2010 tới nay nhìn nhận lại những mặt được và chưa được, Chính phủ đã có chủ trương thay đổi, và việc thu hút FDI bước sang một trang mới, nghĩa là thu hút dự án mà sử dụng ít đất đai, ít năng lượng, tài nguyên và đảm bảo phát triển biển vững. Môi trường đầu tư Việt Nam trong khó khăn vẫn giữ được. Chúng ta cần thu hút những nhà đầu tư mà chúng ta có thể học hỏi nhiều về công nghệ, năng lực quản trị của doanh nghiệp…”

Ngoài kết quả thu hút vốn đầu tư FDI vượt mục tiêu đề ra, thì con số giải ngân vốn FDI năm nay có khả năng đạt 13 tỷ USD, cao hơn kế hoạch đặt ra là 10-11 tỷ USD, có thể coi là một trong những điểm sáng của bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2013. Theo các chuyên gia, Việt Nam vẫn cần cải tạo môi trường đầu tư, tăng năng lực cạnh tranh hơn nữa, không phải để thu hút đầu tư theo số lượng mà là để thu hút những dự án vốn FDI chất lượng theo hướng công nghệ cao, hiện đại, thân thiện môi trường, góp phần tạo sức bật cho nền kinh tế./.