Tại Bình Thuận, khi dự án nâng cấp và mở rộng Quốc lộ 1A được triển khai, hầu hết người dân địa phương đều đồng tình ủng hộ, sớm bàn giao mặt bằng cho Nhà nước thi công công trình. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện tái định cư cho các hộ mất đất, mất nhà còn chậm đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân.
Hai bên đường, nhiều nhà ở của dân đã được tháo dỡ nhường chỗ cho dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ. Khu vực ngã ba Hàm Đức - Tầm Hưng là nơi có nhiều nhà dân bị giải tỏa.
Bên đường vẫn còn những đống xà bần nằm la liệt cùng những vách tường nham nhở. Hàng chục hộ dân ở đây đã nhường đất để thi công vòng xuyến trên Quốc lộ 1.
Chị Trần Thị Trúc Diệp, người dân thôn 4, xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc cho biết: “Ở nhà tôi diện tích đất là 87 m2, nhà nước thu hồi 61 m2 còn lại 26 m2”..
Cũng nhờ sự đồng thuận cao của nhân dân, nên Bình Thuận là một trong số các tỉnh thực hiện tốt việc giải phóng mặt bằng cho dự án nâng cấp và mở rộng Quốc lộ 1A. Địa phương đã bàn giao mặt bằng trước thời hạn 20/3/2014.
Đi qua các huyện: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, thành phố Phan Thiết, Hàm Thuận Nam và Hàm Tân, công trình nâng cấp và mở rộng Quốc lộ 1A đoạn qua Bình Thuận dài đến 169 km. Khi thực hiện dự án có trên 7.600 hộ dân bị ảnh hưởng; hơn 700 căn nhà phải tháo dỡ, 628 hộ dân bị thu hồi cả nhà và đất, cần được bố trí tái định cư tập trung.
Thế nhưng, từ lúc giao đất cho công trình thi công Quốc lộ đến nay, những hộ dân thuộc diện này phải đi nhờ ở nhà người thân, ở trọ hoặc sống tạm trên mảnh đất chật hẹp còn lại.
Chị Nguyễn Thị Hồng Vân nói: “Cuộc sống cũng rất khó khăn, điện nước lại bị cắt, có ngày có ngày không. Chúng tôi gửi con cái ở nơi khác để tiện việc học hành nếu ở cùng cha mẹ thì không được”.
Nhà ông Nguyễn Văn Bé ở huyện Hàm Thuận Bắc cũng mòn nỏi chờ tái định cư. Ông Bé kiến nghị: “Khi có chủ trương giải tỏa mặt bằng, gia đình cũng đồng tình bàn giao đất cho Nhà nước. Nhưng sau đó thật khó khăn, vì phải ở ngoài trại, ngoài ruộng, ở nhờ, ở trọ. Chúng tôi mong muốn chính quyền cấp trên tạo điều kiện sớm cho bà con tái định cư”.
Từ khi dự án triển khai, đi đôi với chủ trương thu hồi đất, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo đầu tư xây dựng 4 khu tái định cư nhằm đảm bảo quỹ đất bố trí lại chỗ ở cho hơn 800 hộ dân bị giải tỏa phục vụ dự án Quốc lộ 1.
Theo Trung tâm Quản lý dự án và Tư vấn xây dựng công trình giao thông Bình Thuận, đến nay, các khu tái định cư đạt khoảng 95% khối lượng thi công. Tại khu tái định cư Phú Long, mặt bằng đã được san lấp xong, điện đã dẫn vào trước các thửa đất phân lô, cây xanh vừa bén rễ.
Ông Nguyễn Ngọc Nghĩa, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý dự án và Tư vấn xây dựng công trình giao thông Bình Thuận cho biết: Các khó khăn của quá trình thực hiện các khu tái định cư là: thời gian chuẩn bị gấp rút; thực hiện thêm công tác giải phóng mặt bằng trên 100 hộ dân tại chỗ... Nói chung, đến thời điểm hiện nay hạ tầng của các khu tái định cư cơ bản đã hoàn thành.
Mới đây, Trung tâm Quản lý dự án và Tư vấn xây dựng công trình giao thông Bình Thuận cùng với hai huyện Bắc Bình và Hàm Thuận Bắc lần lượt tổ chức bốc thăm phân lô cho các hộ tái định cư thuộc dự án Quốc lộ 1A.
Các hộ dân đã biết được vị trí lô tái định cư của gia đình mình. Tuy nhiên, họ còn phải chờ thủ tục trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhưng một số chủ đất cũ vẫn chưa đồng ý giao đất hoàn toàn cho địa phương xây dựng khu tái định cư, do chưa đạt được thỏa thuận về đền bù. Những người này đang tìm cách cản trở, gây khó khăn cho các hộ chuẩn bị đến tái định cư trên đất của họ. Do vậy, khi nào vấn đề này được giải quyết và khi giấy tờ hợp pháp có trong tay, các hộ dân thuộc diện tái định cư mới thực sự an tâm dọn về nơi ở mới./.