Ngày 20/9, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo "Tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt". Vấn đề cơ chế giám sát đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (còn gọi là đặc khu) và người đứng đầu đặc khu, được các đại biểu tham dự hội thảo đặc biệt quan tâm.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để đảm bảo tính đột phá, mô hình hoạt động chính quyền địa phương được đề xuất theo hướng không tổ chức HĐND và UBND tại 3 đặc khu dự kiến được thành lập. Thay vào đó, sẽ có một thiết chế được gọi là Trưởng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, có bộ máy giúp việc và các cơ quan chuyên môn.
Hội thảo tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt |
Bên cạnh đó, Trưởng đơn vị cũng chịu sự giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội tại đặc khu.
Tuy nhiên, tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, cấp HĐND của tỉnh giám sát đặc khu là không khả thi, bởi ngay giám sát cấp tỉnh còn khó, chưa nói đến đặc khu vốn được nhiều ưu đãi. Ngoài ra, đặc khu thường được giao đất cho nhà đầu tư trong vòng 70 - 99 năm, lại ở những nơi có địa thế nhạy cảm, nên rất nhạy cảm về an ninh, chính trị và môi trường.
Luật sư Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển về cơ chế xây dựng Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (Đặc khu kinh tế) kiến nghị, phải đưa đặc khu trực thuộc trung ương để hạn chế việc tỉnh nào cũng đòi xây đặc khu, tỉnh nào cũng đòi ưu đãi như xây dựng khu công nghiệp, khu kinh tế như thời gian trước đây.
Tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương tại đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (đặc khu) là một trong những nội dung rất được quan tâm khi Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được đưa ra lấy ý kiến công luận cũng như Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây.
Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban soạn thảo Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đã bổ sung một mục, với 5 điều khoản, quy định chặt chẽ cơ chế giám sát các Trưởng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Trong đó, Ban soạn thảo đề xuất việc thành lập Hội đồng Giám sát và Tư vấn đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Hội đồng này sẽ giám sát hoạt động của Trưởng đơn vị tại địa bàn và thực hiện nhiệm vụ tư vấn đối với dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đặc khu và một số nhiệm vụ quan trọng khác thuộc thẩm quyền của Trưởng đơn vị.
Hội đồng sẽ do Thủ tướng Chính phủ thành lập theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ với các thành viên là đại diện các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan, đại diện thường trực HĐND và UBND tỉnh…/.
Sẽ có 3 đề án riêng cho các đặc khu kinh tế