Cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam theo số liệu của Tổng cục Thống kê tính đến hết năm 2018, cả nước có trên 714.000 DN, trong đó có tới trên 97% là DN nhỏ và vừa. Tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự phát triển của DN có ý nghĩa vô cùng quan trọng, trong việc đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm và thu nhập cho người lao động.
Theo ông Trần Ngọc Nam, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội, trong thời gian qua, thành phố đã cónhiều hoạt động hỗ trợ DN, cải thiện môi trường đầu tư. Năm 2018 là năm đầu tiên Hà Nội lọt vào Top 10 tỉnh, thành phố được đánh giá cao nhất về chất lượng điều hành và thông thoáng môi trường kinh doanh, với Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố xếp hạng thứ 9, đạt 55,40 (tăng 4 bậc so với vị trí thứ 13 năm 2017).
“Để nâng cao điểm số PCI năm 2019 và trong những năm tới, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội tiếp tục lắng nghe ý kiến DN, để có những hoạt động cụ thể nhằm nâng cao môi trường đầu tư kinh doanh của thành phố”, ông Nam cho biết.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội |
Những năm qua, nhằm tạo điều kiện cho DN trên địa bàn TP Hà Nội gia nhập thị trường được thuận lợi, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động hướng dẫn, cung cấp thông tin chính sách về Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại giao thương hàng hóa giữa các vùng miền, trong cả nước và thị trường ngoài nước. Nhiều diễn đàn DN được tổ chức với mục đích tư vấn, hỗ trợ các DN về các giải pháp công nghệ thông tin, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý thời kỳ cách mạng 4.0…
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội – ông Mạc Quốc Anh cho rằng, thời gian tới thành phố cần tiếp tục phát triển các dịch vụ tiện ích để hỗ trợ cho DN, phối hợp thêm với một số ngân hàng thương mại để mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ cấp trước số tài khoản ngân hàng cho DN, xây dựng mô hình kết nối giữa cơ quan đăng ký kinh doanh với các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ liên quan đến quá trình khởi sự doanh nghiệp, giúp DN hoàn thiện việc gia nhập thị trường nhanh nhất. Thực hiện công tác truyền thông, tuyên truyền về nội dung cải cách trong đăng ký DN của thành phố, đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử…
Hộ kinh doanh lên DN còn “vướng”
Ông Hoàng Ngọc Linh, Chủ tịch Hội DN nhỏ và vừa huyện Phúc Thọ (Hà Nội) cho rằng, chính sách hỗ trợ DN của Chính phủ và thành phố thời gian qua đã giúp cho nhiều DN tháo gỡ được một số khó khăn nhất định. Tuy nhiên, những chính sách này cần phải được hỗ trợ sâu và cụ thể hơn để Luật DN chính thức đi vào thực tế, nhất là tăng cường khuyến khích các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi mô hình lên DN để ổn định kinh doanh.
Theo ông Linh, hiện nay tốc độ thành lập DN của các hộ kinh doanh cá thể còn rất chậm. Thực tế qua tìm hiểu cho thấy, nhiều hộ kinh doanh cá thể chưa nhìn nhận được rõ ràng về mục đích của việc chuyển đổi mô hình kinh doanh khi họ được gì và mất gì. Trong khi nhiều hộ kinh doanh vốn xuất phát từ nông dân trở thành thương nhân làm kinh tế, hoạt động buôn bán đơn giản, kinh doanh thông qua kinh nghiệm truyền thống.
Chính vì thế, đứng trước yêu cầu chuyển đổi lên DN, các hộ kinh doanh này đang bị “vướng” về kiến thức quản trị kinh doanh cũng như thiếu thị trường và hàng loạt các kiến thức cơ bản khác như marketing, thuế cũng như pháp luật liên quan, bởi mô hình hoạt động của các hộ kinh doanh hoàn toàn khác với mô hình DN.
Ông Hồ Xuân Phúc, Tổng Giám đốc Công ty Hanotour |
Mặt khác, khi chuyển đổi mô hình kinh doanh, nếu chuyển đổi thành DN, nhiều hộ kinh doanh còn gặp khó khăn về mặt bằng. Khi còn là hộ kinh doanh cá thể với quy mô gia đình, diện tích nhà đất có thể phù hợp, nhưng chuyển sang DN chắc chắn chiếc “áo” họ mặc sẽ bị chật nhưng chính sách đất đai hiện nay chưa thực sự hỗ trợ DN về vấn đề này.
“Muốn có kiến thức về thị trường, các hộ kinh doanh cá thể rất cần những hệ sinh thái, trong đó cần có các DN đầu đàn để tạo môi trường, kích thích các doanh nghiệp mới chuyển đổi có nơi để gửi gắm niềm tin và chiến lược. Thiết nghĩ, tạo ra các DN đầu đan là giải pháp hỗ trợ thực chất nhất để các DN nhỏ và hộ kinh doanh có cơ hội chuyển đổi và phát triển”, ông Linh đề xuất.
Ông Hồ Xuân Phúc, Tổng Giám đốc Công ty Hanotour nêu thực tế, hiện nay các DN thành lập mới vẫn phải chi 100.000 đồng để đưa thông tin DN lên Cổng thông tin điện tử Quốc gia. Số tiền này tuy rất nhỏ nhưng nên bỏ đi vì khi thực hiện vướng thủ tục ngân hàng, cũng như không phù hợp với chủ trương khuyến khích thành lập và chuyển đổi mô hình hộ kinh doanh lên DN.
Mặt khác theo ông Phúc, bản thân các DN nhỏ và vừa sinh hoạt trong Hiệp hội nhận được nhiều chương trình đào tạo kiến thức điều hành, tài chính, kế toán… là sự hỗ trợ cho các DN có cơ hội tiếp cận kiến thức để quản trị DN tốt hơn. Tuy nhiên, nhiều chương trình có kết hợp đi tham quan, khảo sát tại nước ngoài với chi phí quá cao, nhất là đối với các DN mới khởi nghiệp hoặc DN nhỏ và vừa.
“Trung tâm hỗ trợ DN nhỏ và vừa thành phố Hà Nội cần có những kí kết hợp tác với các Văn phòng Luật sư để cung cấp thông tin pháp lý cho DN, tạo ra các tổng đài tư vấn giúp cho các DN, các cá nhân có nhu cầu được thông tin và giải đáp về mặt pháp lý và những khó khăn về thủ tục mà các DN đang gặp phải”, ông Phúc bày tỏ mong muốn./.
VBF 2019: Chính phủ ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững