Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, việc ký kết, thực thi và đang đàm phán tổng cộng 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã tác động không nhỏ đến việc phát triển kinh tế Việt Nam nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng. Có thể kể đến các FTA như: CPTPP, EVFTA, FTA Việt Nam-Hàn Quốc, FTA Việt Nam-Nhật Bản…

Ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng vụ Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng, các FTA này đã và đang tạo ra cơ hội rất tốt cho hàng nông sản Việt Nam.

Cụ thể, với Hiệp định CPTPP, hàng loạt nông sản xuất khẩu của các nước thành viên trong đó có Việt Nam sẽ được giảm thuế. Mức độ cắt giảm thuế rất rộng, gần 100% biểu thuế sẽ được giảm về mức 0%, tuy nhiên, lộ trình ngắn hay dài phụ thuộc vào độ nhạy cảm của mặt hàng đó. 

Tại thị trường Canada, Việt Nam đã đạt được thỏa thuận 100% kim ngạch xuất khẩu gỗ được xóa bỏ thuế quan; xóa bỏ thuế nhập khẩu gạo ngay khi hiệp định có hiệu lực; Với thị trường Nhật Bản, Việt Nam được xóa bỏ thuế quan 78% kim ngạch xuất khẩu nông sản, 91% kim ngạch xuất khẩu thủy sản và 97% kim ngạch xuất khẩu gỗ ngay khi hiệp định có hiệu lực.

Cùng với đó, Chile, Peru cũng đồng ý xóa bỏ thuế xuất nhập khẩu với các mặt hàng nông sản, thủy sản có thế mạnh của Việt Nam.

vov_toi1_rhet.jpg
Nông sản Việt Nam sẽ được hưởng "ưu đãi vàng" khi CPTPP có hiệu lực.

Với Hiệp định EVFTA, dự kiến thuế nhập khẩu sẽ cắt giảm về 0% theo lộ trình từ 7-10 năm, đây có thể coi là mức cam kết cao nhất kể từ khi Việt Nam tham gia các FTA.

Ông Khanh cho biết, nhiều mặt hàng được giảm thuế suất 0% ngay sau khi hiệp định có hiệu lực. Cụ thể, hạt tiêu, cà phê sẽ được giảm ngay lập tức về mức 0%, trong khi mức thuế hiện nay trung bình của EU áp với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam từ 0-1,5%.  

Hiện, Việt Nam là thị trường đứng thứ 2 về xuất khẩu với các mặt hàng chủ lực là hạt điều, tiêu, cà phê. Với các mặt hàng rau, củ quả, rau, củ quả chế biến, EU cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi FTA có hiệu lực; với các mặt hàng gạo xay sát, gạo chưa xay sát và gạo thơm thì EU có thế áp dụng hạn ngạch thuế quan; mặt hàng gạo tấm xuất khẩu sẽ được xóa bỏ theo lộ trình, các sản phẩm từ gạo cũng đc EU đưa vào danh mục giảm thuế về 0%.

Đối với các mặt hàng còn lại như thủy sản, 50% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ với lộ trình từ 5-7 năm. Thủy sản xuất khẩu sẽ được hưởng thuế suất theo cam kết EVFTA ổn định hơn, bền vững hơn.

Với hàng loạt chính sách giảm thuế cho các nước thành viên khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do, ông Khanh nhận định, ngoài những “ưu đãi vàng” mà doanh nghiệp Việt được hưởng thì “cái được” lớn nhất mà các hiệp định mang lại là Việt Nam có thêm cơ hội mở rộng thị trường với những nước đã tham gia FTA và với cả những nước chưa là thành viên của FTA.

Cùng với đó, khi tham gia các FTA, sẽ buộc doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao trình độ, chú trọng đầu tư công nghệ, tạo ra các sản phẩm hàng hóa Việt có chất lượng hơn, bền vững hơn.

Một cơ hội nữa mà ông Khanh đề cập tới đó là khi tham gia các FTA, ngành nông nghiệp có cơ hội, có sức ép để cải cách thể chế, thay đổi tư duy từ làm luật đến thực thi luật. Từ việc cải cách thể chế này, rất nhiều vướng mắc được gỡ bỏ, từ đó cơ chế của ngành nông nghiệp sẽ thuận lợi hơn và đầu tư vào ngành sẽ đạt hiệu quả cao hơn.

Những lợi ích mà các FTA mang lại cho ngành nông nghiệp Việt Nam là rất lớn, tuy nhiên, đó chỉ là “đòn bẩy” để hỗ trợ các sản phẩm Việt Nam “cất cánh” và sánh vai với hàng hóa của các nước trên thế giới.

Thực tế còn rất nhiều thách thức, khó khăn mà ngành này đang phải đối mặt và phải tìm cách tự hóa giải.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, hiện có 7.600 doanh nghiệp trực tiếp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, tạo công ăn, việc làm cho hơn 4,5 triệu người lao động.

Mặc dù số lượng doanh nghiệp nông nghiệp tăng lên trong thời gian qua nhưng vẫn chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Phần lớn các doanh nghiệp nông nghiệp quy mô sản xuất vừa và nhỏ, năng suất chất lượng chưa đáp ứng nhu cầu thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng và chưa đủ sức để cạnh tranh với các nước có thế mạnh về nông nghiệp.

Ngoài ra, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn gặp khó khăn về chi phí. Trình độ áp dụng khoa học công nghiệp vào nông nghiệp còn thấp, hiệu quả sử dụng lao động trong lĩnh vực này chưa cao….

Cùng với đó, khả năng liên kết với  đối tác, tìm kiếm, tiếp cận thông tin thị trường và khắc phục các rào cản theo quy định còn hạn chế. Mối liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân và các tổ chức kinh tế mà nông dân tham gia là hợp tác xã còn thiếu bền vững. Một số địa phương sản xuất nông nghiệp theo phong trào, thiếu quy hoạch và chưa gắn với thị trường, dư thừa sản phẩm.

Để có thể phát triển mạnh thị trường nông sản trong nước tiến tới hội nhập kinh tế quốc tế, các chuyên gia trong ngành nông nghiệp cho rằng, về phía doanh nghiệp, phải biết biến thách thức thành cơ hội; thay đổi cách thức sản xuất, hoạt động để tạo ra các sản phẩm có chất lượng, đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng trong nước và trên thế giới.

Song song với đó, doanh nghiệp và người dân phải liên kết sản xuất, giảm đến mức thấp nhất tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa. 

Về phía Chính phủ, cần tạo ra dư địa cần thiết để tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển. Cần bảo lưu những lĩnh vực mà chúng ta chưa cho phép doanh nghiệp nước ngoài làm, hoặc nếu cho phép họ làm thì không tạo hết thuận lợi như với doanh nghiệp Việt Nam./.