Do tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) trên toàn cầu, từ đầu năm 2020 đến nay, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới nói chung và sang Trung Quốc nói riêng chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Các hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống giữa Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm,… do tác động của dịch Covid-19 cũng buộc phải tạm ngưng và cần cấp bách chuyển hướng sang thực hiện theo hình thức khả thi khác trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin.

Tăng giao thương trực tuyến trong dịch Covid-19

Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Sở Thương mại Khu Tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) sẽ tổ chức chương trình giao thương trực tuyến, giữa các doanh nghiệp (DN) sản xuất, cung ứng nông sản, thực phẩm Việt Nam với các DN mua hàng Trung Quốc (Quảng Tây). 

Hội nghị này dự kiến được tổ chức 3 ngày trong tháng 4 bằng hình thức trực tuyến với quy mô khoảng 80 DN Việt Nam và Trung Quốc (Quảng Tây). Trong đó, ưu tiên các DN nông sản, thực phẩm có tiềm năng thuộc 10 tỉnh, thành phố phía Bắc đã tham gia ký kết Biên bản ghi nhớ Hợp tác phát triển thương mại giữa Cục Xúc tiến thương mại và Sở Thương mại Quảng Tây (Trung Quốc) hồi tháng 6/2019.

GTTT_LPQC.jpg
Một đối tác giới thiệu sản phẩm trong giao thương trực tuyến. Ảnh minh họa: Viettrade.

Ban tổ chức cho biết, Hội nghị sẽ lựa chọn sử dụng phần mềm họp trực tuyến phù hợp để tổ chức và hướng dẫn DN tham gia chương trình và sẽ chia các phiên giao thương theo từng lĩnh vực, chủ đề hợp tác. Căn cứ trên nhu cầu giao thương của các DN Việt Nam, Ban tổ chức sẽ mời các nhà nhập khẩu của Trung Quốc tham gia vào các phiên giao thương và trao đổi trực tiếp với các DN Việt Nam.

Trước đó, nhằm hỗ trợ các DN Việt Nam tìm kiếm nguồn cung uy tín, chất lượng về các loại vật tư, nguyên liệu, sản phẩm phòng chống dịch từ Trung Quốc trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Cục Xúc tiến thương mại cũng đã phối hợp với Cơ quan Xúc tiến Phát triển Ngoại thương Tứ Xuyên, Trung Quốc (CCPIT Tứ Xuyên) tổ chức cho các DN Việt Nam tham gia Hội nghị giao thương trực tuyến quốc tế sản phẩm phòng chống dịch Covid-19 Trung Quốc (Tứ Xuyên).

Hội nghị được thực hiện trên nền tảng trực tuyến Dingtalk từ các điểm cầu Trung Quốc, Việt Nam, Canada, Nepal, Bhutan, Sri Lanka, Uzbekistan... Tại hội nghị, các DN Việt Nam tiến hành khoảng 40 lượt giao dịch với các DN Trung Quốc, kết nối được với các đầu mối sản xuất, cung ứng vật tư, nguyên liệu, sản phẩm phòng chống dịch liên quan của Trung Quốc.

Theo đánh giá của các DN Việt Nam, thông qua hình thức hội nghị trực tuyến đã giúp DN không cần di chuyển mà ở ngay tại văn phòng, tại nhà thực hiện việc tìm hiểu năng lực sản xuất, cung cấp của đối tác Trung Quốc. Bên cạnh đó, DN cũng tìm hiểu được tính cạnh tranh của thị trường sản phẩm phòng chống dịch, triển khai nhanh chóng các hoạt động hợp tác kinh doanh với không chỉ các đối tác Trung Quốc mà còn với các DN đến từ các quốc gia khác tham gia hội nghị…

Quan trọng vẫn là chữ tín

Đánh giá cao chủ ý của Cục Xúc tiến thương mại trong việc đẩy mạnh các hoạt động giao thương trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin trong bối cảnh dịch bệnh lây lan nguy hiểm như hiện nay, tuy nhiên chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng, hoạt động này cần phải thực hiện tới nơi tới chốn. Ban tổ chức không chỉ có việc tổ chức ra các sàn thương mại để các doanh nghiệp tự thân vận động mà cần quan tâm tới kết quả cuối cùng.

“Nếu chỉ mở hội thảo ra để mang tính hình thức mà không biết các DN có cơ hội gì, không hỗ trợ kết nối thường xuyên và không quan tâm tới kết quả cuối cùng sẽ khiến DN tốn chi phí, mất thời gian và không hiệu quả. Trong việc xây dựng hệ thống trang web hội nghị giao thương trực tuyến cũng phải đầy đủ, phong phú và mang tính bền vững, thông tin được bảo mật. Riêng về chữ tín trong các hoạt động giao thương phải được bảo đảm, đúng cam kết giữa các bên”, ông Phú nói.

Ông Phú cũng bày tỏ sự lo ngại, đó là hiện nay là có đến 80% tình trạng mua hàng rồi mới trả tiền mà không trả tiền trước trong thương mại online, bán lẻ ở Việt Nam. Điều này cho thấy việc thiết lập được chữ tín trong kinh doanh qua mạng, phương thức thanh toán giữa DN với DN và DN với người tiêu dùng không phải dễ dàng.

Cũng theo ông Phú, thương mại điện tử sẽ là một sân chơi hấp dẫn với điều kiện những người tham gia và người quản lý phải thực sự có tâm, có đức, có trách nhiệm trong giao dịch. Điều đó cũng đặt ra yêu cầu nâng cao quản lý nhà nước về thương mại điện tử trong nước cũng như nước ngoài.

“Kinh nghiệm thực tế trong giao thương, xúc tiến thương mại cho thấy, khi đến địa phương hoặc các quốc gia khác, đối tác nào cũng hứa, cũng cam kết hợp tác, tuy nhiên cũng có đơn vị, có tổ chức cá nhân phá hợp đồng, phá cam kết khi có người trả giá cao hơn. Trong khi đó, vẫn còn một bộ phận DN thiếu tình gắn kết, “dễ làm khó bỏ” cần phải khắc phục sớm là trong giao dịch thương mại điện tử”, ông Phú lưu ý.

Đặc biệt theo ông Phú, khi tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại, nhất là giao thương trực tuyến phải kết nối được với các trung tâm xúc tiến có uy tín, thông tin về bạn hàng phải được kiểm chứng, thẩm định và đánh giá cụ thể, không thể thực hiện giao dịch chỉ dựa trên những báo cáo của doanh nghiệp. Nếu không tổ chức bài bản, hoạt động xúc tiến sẽ không mang lại hiệu quả mà còn gây tốn kém, lãng phí và tổn thất không nhỏ cho DN./.