Trên thị trường sữa đã hình thành một mặt bằng giá mới có lợi cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sữa nhanh chóng thay đổi mẫu mã, trọng lượng, hay lấy cớ bổ sung vi chất, hàm lượng để giữ nguyên giá cũ… Dư luận đang đặt câu hỏi liệu đây có phải các chiêu trò lách luật và người tiêu dùng có thực sự hưởng lợi từ quy định áp giá trần.

Dạo quanh các cửa hàng sữa trên phố Hàng Buồm (Hoàn Kiếm), Xã Đàn (Đống Đa), Ngọc Lâm, Nguyễn Sơn (Long Biên), hầu hết các cửa hàng, đại lý và siêu thị đều đã đồng loạt giảm giá bán mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Nhìn chung, giá bán lẻ nhiều mặt hàng sữa đã giảm từ 10.000 đồng đến 100.000 đồng/hộp. Thậm chí, có đại lý bán giá thấp hơn vài chục nghìn đồng so với giá bán lẻ tối đa mà Bộ Tài chính quy định. Với mức giá mới này đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía người tiêu dùng.

gia-sua_bofb.jpg 

Áp trần giá sữa, người tiêu dùng có thật sự hưởng lợi?

Chị Vũ Thái Ninh, ở phố Sài Đồng, quận Long Biên chia sẻ: “Con nhà tôi đang dùng sữa dành cho trẻ biếng ăn, trước tôi vẫn mua 366.000 đồng giờ chỉ còn 303.000. Hy vọng niềm vui của những người tiêu dùng như chúng tôi không bị dừng lại vì các đơn vị kinh doanh sữa họ lại dùng biện pháp nào đấy để lách, thay đổi trọng lượng. Hy vọng các cơ quan quản lý nhà nước sẽ cùng chung tay bảo vệ tốt nhất cho quyền lợi của người tiêu dùng”.

Tuy nhiên, vẫn có một số loại sữa không giảm giá. Điển hình như một số dòng sữa của Nutifood hoặc sản phẩm sữa Optimum 123 dành cho trẻ em dưới 6 tuổi của Vinamilk…không giảm giá theo quy định áp giá trần của Bộ Tài chính.

Trên thị trường đã xuất hiện một số sản phẩm sữa ghi là sữa dành cho trẻ từ 1-10 tuổi. Với việc gia tăng độ tuổi cho người sử dụng các sản phẩm như thế này, các hãng sữa có thể tránh được việc phải áp dụng giá bán buôn, bán lẻ tối đa. Sản phẩm Pediasure của Abbott loại hộp 900gr được thay bằng loại hộp mới trọng lượng còn 850gr, giá giảm không đáng kể.

Đáng chú ý, Mead Johnson mới đưa ra thị trường sản phẩm mới Enfamil A+ 360 độ Grain Plus thay dòng sữa Enfamil A+ cũ, và Enfa Grow A+ 360 độ Brain Plus thay mẫu cũ Enfa Grow A+.

Chị Đặng Mai Lan, chủ cửa hàng sữa ở quận Hai Bà Trưng cho biết, loại sữa này được bổ sung thêm các vi chất, nên giá vẫn giữ nguyên: Dòng Enfamil 1, 2, 3,4 có sự thay đổi là mẫu mới, tem mới, bổ sung thêm chất, so với giá lúc chưa giảm là vẫn bằng hàng cũ. Trước đây, sản phẩm Enfa Grow 4+ chưa giảm giá là 365.000 đồng/hộp, bây giờ bổ sung thêm chất, sản phẩm này vẫn giữ nguyên mức giá cũ.

Theo Bộ Tài chính, tính đến cuối tháng 6 vừa qua, chưa phát hiện được cửa hàng sữa nào bán vượt giá trần cho phép. Tuy nhiên, một số hãng sữa tìm cách thay đổi mẫu mã, trọng lượng, hàm lượng, còn người tiêu dùng không biết liệu có mua được sữa với giá giảm đúng theo quy định hay không.

Bởi giá của một số sản phẩm cũ so với giá bán lẻ tối đa mới theo quy định không giảm hoặc giảm không đáng kể. Những hãng sữa lấy cớ bổ sung thêm hàm lượng, vi chất mới mà vẫn bán giá cũ. Dư luận đang đặt câu hỏi, danh mục áp giá trần liệu có theo kịp tốc độ thay đổi tên gọi, mẫu mã của các sản phẩm sữa?.

Theo chuyên gia kinh tế, việc áp giá trần là quy định nặng tính hành chính. Dù có kết quả trong ngắn hạn, nhưng nếu thực thi không đủ nghiêm, việc áp giá trần cũng cần xem xét lại và không đạt được hiệu quả về lâu dài.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Tài chính cho biết: “Đứng về biện pháp quản lý, 2 vấn đề chất lượng, trọng lượng sữa đều phải thực hiện theo giá trần. Trọng lượng, chất lượng thay đổi, giá trần cũng thay đổi. Các cơ quan quản lý chất lượng, cơ quan quản lý thị trường cũng sẽ vào cuộc kiểm tra đảm bảo tuân thủ của doanh nghiệp, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng. Ở đâu phát hiện trường hợp lách luật, người tiêu dùng phản ánh về cơ quan quản lý giá trên địa bàn, hội người tiêu dùng để có hướng xử lý. Quan điểm của Bộ Tài chính là quyết tâm bình ổn thị trường sữa. Nếu như thị trường vẫn không bình ổn sẽ phải có những biện pháp mạnh tay hơn, thanh tra, kiểm tra, xử phạt mạnh hơn, triệt để hơn”.

Việc áp trần giá sữa được xem là biện pháp phù hợp với thị trường hiện nay, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...Bộ Tài chính cho biết, biện pháp áp giá trần sẽ thực hiện trong thời hạn 1 năm. Khi thị trường sữa bình ổn, cạnh tranh lành mạnh sẽ gỡ bỏ quy định áp giá trần.

Trước mắt, Bộ Tài chính khẳng định sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng./.