Vì sao tăng giật cục, giảm nhỏ giọt?

Tối 9/4, các DN đầu mối xăng dầu tiến hành giảm giá xăng 500 đồng/lít, dầu từ 450 đồng/lít. Theo đó, giá niêm yết mới tại các cửa hàng xăng dầu: Giá xăng 24.050 đồng/lít, dầu hỏa 21.450 đồng/lít, diesen 21.600 đồng/lít. Mức giảm này khiến nhiều người thắc mắc, giá xăng khi tăng thì giật cục, lúc giảm thì nhỏ giọt! Những thắc mắc này hoàn toàn có cơ sở, bởi mức tăng giá xăng ngày 28/3 là 1.430 đồng/lít, còn mức giảm ngày 9/4 chỉ là 500 đồng/lít.

giaxangdauthegiooi.jpg
Cần thiết giá xăng dầu phải được vận hành theo đúng tinh thần Nghị định 84  (Ảnh: PLXH)

Song, nếu để ý kỹ, chúng ta thấy việc điều chỉnh giá xăng dầu là hợp lý. Theo quy luật, đầu năm là thời điểm nhạy cảm trong việc điều hành giá. Bởi lẽ, thời điểm này trùng với Tết âm lịch nên xuất hiện xu thế tăng giá cả hàng hóa, dịch vụ… Bên cạnh đó, giá xăng dầu thế giới có xu hướng tăng cao, khiến các DN xăng dầu đầu mối lỗ. Nếu tiến hành tăng giá xăng dầu ngay tại thời điểm này sẽ tạo ra những yếu tố cộng hưởng khiến giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng ồ ạt…, kích hoạt lạm phát quay trở lại.

Vì vậy, Chính phủ đã có quyết định không tăng giá xăng dầu, Bộ Tài chính quyết định để bù lỗ, DN được sử dụng quỹ bình ổn... Việc làm này đã đạt được mục tiêu, quỹ bình ổn đã phát huy vai trò như một chiếc van điều áp, điều tiết lạm phát, bảo đảm lạm phát không bùng phát. Tuy nhiên, khi quỹ bình ổn đang có con số dương rồi chuyển thành con số âm thì ngân sách Nhà nước – chính là tiền đóng thuế của người dân phải bù đắp. Mà trong điều hành, chúng ta đã thống nhất nguyên tắc không thể bao cấp giá xăng dầu. Cho nên, khi cơ quan quản lý dỡ bỏ việc sử dụng 2000 đồng/lít xăng từ quỹ bình ổn thì DN đầu mối sẽ bị lỗ nên việc điều chỉnh giá xăng tăng 1430 đồng/lít là hợp lý.

Làm quen với tăng, giảm giá xăng dầu

Trong phiên họp thường kỳ tháng 3, Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ, Vũ Đức Đam đã nhắc lại thông điệp, không thể bao cấp mãi giá xăng dầu. Việc làm này là cần thiết và bảo đảm giá xăng dầu là chi phí minh bạch đầu vào cho các loại hàng hóa, dịch vụ khác.

Thực tế đã chứng minh khi giá xăng dầu bị nén, không tăng, giảm theo đúng quy luật thị trường sẽ xuất hiện một loạt các tác động tiêu cực như: Gia tăng buôn lậu xăng dầu, nhiều cửa hàng xăng dầu đóng cửa, giá xăng dầu không bảo đảm là chi phí minh bạch đầu vào cho hàng hóa, dịch vụ khác… Khi giá xăng dầu bị nén quá mức, lúc tăng thì giật cục, gây sốc cho thị trường. Bên cạnh đó, cho dù chạy hết công suất nhà máy lọc dầu Dung Quất, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu tới 70% và như vậy chúng ta không đủ nguồn lực để kìm hãm giá xăng dầu.

TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, ĐH Kinh tế, Đại học Quốc gia HN khi trả lời báo chí đã nói một câu rất hình ảnh, chúng ta không thể “be bờ, đắp đập” để ngăn giá xăng dầu tăng. Khi nói về lạm phát và xăng dầu, TS. Nguyễn Đức Thành đã khẳng định, giá xăng dầu ở rất nhiều nước trên thế giới hiện vẫn cao hơn Việt Nam. Tuy nhiên, lạm phát của họ lại thấp hơn Việt Nam rất nhiều, chỉ 2-6%/năm. Nên nguyên nhân cơ bản của lạm phát tại nước ta chắc chắn không phải giá xăng dầu. Vì vậy, tôi cho rằng đã đến lúc Việt Nam nên điều hành giá xăng dầu theo đúng cơ chế thị trường. Điều đó có nghĩa rằng, người tiêu dùng cần phải tập làm quen với giá xăng dầu sẽ được vận hành lên, xuống theo giá xăng dầu thế giới.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, để thị trường không bị sốc từ việc điều chỉnh giá xăng dầu thì việc tăng, giảm giá xăng dầu cần tránh hiện tượng giật cục. Theo đó, cần thiết giá xăng dầu phải được vận hành theo đúng tinh thần Nghị định 84, với sự giám sát, quản lý chặt chẽ của cơ quan quản lý Nhà nước./.