Vườn thanh long 300 trụ của ông Lê Văn Lưu (xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) đã chín đỏ cây, thế nhưng vẫn chưa có thương lái nào tìm đến để mua khiến anh hết sức lo lắng. Đây là lứa thanh long được anh chong đèn nghịch vụ để bán nhân dịp Tết Nguyên tiêu (Rằm tháng 1 Âm lịch).

Hiện giá thanh long giảm mạnh, thương lái thu mua lác đác khiến ông Lưu đứng ngồi không yên. “Không biết tình hình ở bên cửa khẩu như thế nào nhưng giá thanh long ở đây thì giảm từng ngày. Mới 2 - 3 hôm trước còn bán được giá gần 10.000 đồng/kg nhưng nay giảm chỉ còn một nửa, kiếm người mua cũng rất khó”, ông Lưu chia sẻ.

long_11_ucac.jpg
Ông Lê Văn Lưu phải tự vuốt tai thanh long thay vì thuê công nhân làm để giảm chi phí.

Theo các chủ vườn thanh long, ngay trong những ngày đầu năm Canh Tý 2020, giá thanh long tại Bình Thuận vẫn được giữ ở mức trên 10.000 đồng/kg. Tuy nhiên, từ mùng 4 Tết đến nay đã quay đầu giảm. Hiện, giá bán loại nông sản này chỉ còn ở mức 5.000 – 6.000 đồng/kg đối với vườn có tỷ lệ trái đẹp từ 70% trở lên, những vườn không đáp ứng tỷ lệ này, giá bán còn thấp hơn.

Cũng theo người trồng thanh long, hiện tại các vườn rất ít hàng vì hầu hết đều đón đầu vụ Tết để chong đèn trái vụ, nên việc giá cả xuống thấp như vậy là điều ít khi xảy ra.

Phần lớn các cơ sở thu mua thanh long tại Bình Thuận vẫn chưa hoạt động trở lại. Bà Nguyễn Thị Linh – chủ cơ sở thu mua thanh long tại huyện Hàm Thuận Nam cho biết, do việc mở cửa khẩu để chuyển hàng đi Trung Quốc đang gặp trở ngại nên chưa dám mở cửa vựa để thu mua.

Mùng 7 Tết, các vựa thanh long vẫn chưa hoạt động trở lại.

Theo ông Võ Huy Hoàng - Chủ tịch Hiệp hội thanh long Bình Thuận, Hiệp hội đang phối hợp với các bên nắm bắt thông tin từ cửa khẩu để kịp thời hỗ trợ người nông dân. Trước mắt, Hiệp hội sẽ đẩy mạnh thị trường tiêu thụ trong nước và xúc tiến mở rộng thị trường các nước ngoài Trung Quốc. Ngoài ra, giải pháp tăng cường kho lạnh hay đa dạng hoá các sản phẩm chế biến thanh long tại chỗ thay vì xuất trái tươi cũng đang được tính đến.

Bình Thuận là địa phương canh tác thanh long nhiều nhất cả nước, với tổng diện tích trên 26.000 ha, sản lượng hàng năm khoảng 500.000 tấn. Trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính của nông sản này, với mức xuất khẩu chính ngạch khoảng 2 - 3%; hoạt động mua bán, giao dịch thương mại với thương nhân Trung Quốc chiếm trên 80%.

Trước tình hình dịch bệnh viêm hô hấp do chủng mới của virus Corona gây ra diễn biến phức tạp, việc thông thương với phía Trung Quốc bị hạn chế, vì thế giá thanh long dự báo sẽ còn ở mức thấp trong thời gian tới./.