Cụ thể, than cám 4b có giá là 1,1 triệu đồng/tấn (tăng tới 149% so với giá 442.000 đồng/tấn hiện nay). Than cám 5 sẽ có giá  960.000đồng/tấn (tăng 137% so với giá 405.000 đồng/tấn). Than cám 6a là 830.000đồng/tấn và than cám 6b là 690.000 đồng/tấn. Đây là giá giao tại các cảng than của TKV chưa bao gồm thuế VAT.

Theo TKV, việc đề xuất giá bán than mới này dựa trên Thông báo 224/TB-VPCP ngày 11/8/2009 và Công văn số 13513/BTC-QLG ngày 23/9/2009 về việc giá than trong nước điều chỉnh thấp hơn giá than xuất khẩu tối đa 10%. Do đó, mặc dù đã tăng nhưng giá than bán cho điện vẫn đảm bảo thấp hơn giá than xuất khẩu cùng loại từ 10 – 12%. Mặt khác, năm 2009, TKV đã phải bù 2.000 tỷ đồng tiền chênh lệch do bán than cho điện thấp dưới giá thành và giá thị trường.

Nhưng theo các chuyên gia, nếu đề nghị tăng giá than của TKV được chấp nhận thì đây sẽ là mức tăng cao nhất đối với các nhà máy điện, bởi trước đó, 3 hộ tiêu thụ than lớn nhất là phân bón, giấy và xi măng đã được điều chỉnh giá than trong những tháng cuối năm 2009 thì mức điều chỉnh cũng chỉ tăng 25 – 30%. Khi đó, ngành điện không còn cách nào hơn là phải tăng giá theo để giảm lỗ. Điều đó sẽ tác động khá lớn tới nền kinh tế và hoạt động của các doanh nghiệp.

Bởi lẽ, trong cơ cấu giá điện hiện nay, giá phát điện chiếm tới trên 70% giá thành, mà giá phát điện lại chủ yếu phụ thuộc vào giá nhiên liệu, trong khi tỷ trọng các nhà máy nhiệt điện than chiếm trên 30%. Điều đó sẽ dẫn đến chi phí phát điện năm 2010 sẽ tăng thêm khoảng 4.229 tỉ đồng so với phương án giá điện năm 2010 của EVN đề xuất; giá bán điện bình quân sẽ phải tăng từ mức 948.5đ/kWh năm 2009 lên mức 1.110,8đ/kWh năm 2010, tức là tăng 17,11% so với giá bán điện bình quân được duyệt năm 2009.

Được biết, giá bán điện năm 2009 và các năm 2010 đến 2012 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt  theo cơ thế thị trường thì các mốc biến động giá điện cũng chỉ dự trù xoay quanh mốc tăng 5%. Nói cách khác, giá điện cho năm 2010 đang được xây dựng chắc chắn sẽ không kịp áp dụng từ 1/1/2010 theo giá than. Theo các chuyên gia tham gia xây dựng giá điện mới, các thông số đầu vào để tính toán mức giá điện mới chưa tính đến khả năng tăng giá than quá mạnh như đề nghị mới đây của TKV.

Tuy nhiên, Quyết định 21 của Thủ tướng Chính phủ cũng mở ra việc tính toán biến động theo yếu tố đầu vào và cho từng khâu cấu thành giá điện. Nghĩa là giá điện sẽ được điều chỉnh từng năm theo yếu tố đầu vào và cho từng khâu cấu thành giá bán điện. Nhiều người lo ngại là nếu giá điện được tính toán lại cho theo kịp giá than chắc chắn sẽ kéo theo phản ứng dây chuyền tăng giá của hàng loạt các mặt hàng “ăn theo” giá điện. Điều đó sẽ gây ảnh hưởng tới phát triển kinh tế, giảm thu hút đầu tư, việc bình ổn thị trường sẽ rất khó khăn, tác động không tốt đến đời sống nhân dân.

Vấn đề là, có nhiều mặt hàng (trong đó có than),  giá bán xuất khẩu chủ yếu phụ thuộc vào biến động cung cầu trên thị trường mà không phụ thuộc vào giá thành thực tế sản xuất. Do có lợi thế về khai thác và chất lượng than nên giá than xuất khẩu hiện nay đang cao hơn nhiều so với giá thành.

Theo một số chuyên gia, nếu giá than bán cho ngành điện được lấy bằng giá than xuất khẩu trừ lùi 10% như TKV đề nghị thì TKV sẽ thu được lợi nhuận từ than cám 4b đạt tới 70% giá thành, của than cám 5 bằng khoảng 85% giá thành, than cám 6a bằng khoảng 100% giá thành và than cám 6b bằng khoảng 92% giá thành. Trong khi giá điện chủ yếu để phục vụ nhu cầu sản xuất tiêu dùng trong nước, kể cả làm nhiệm vụ công ích cho xã hội cho nên giá điện vẫn chưa thực hiện được theo cơ chế thị trường.

Hơn nữa, năm 2009, ngành Điện phải bù lỗ tới 6.000 tỷ đồng do phải nhập khẩu và mua điện của các đơn vị ngoài EVN với giá cao để bán giá thấp. Vì vậy, không thể vận dụng giá xuất khẩu than vào giá bán trong nước một cách máy móc.

Một quan chức của EVN cho rằng, nếu đáp ứng giá điện bình quân năm 2010 tăng trong phạm vi 5% thì giá than bán cho điên chỉ nên tăng 10-15%. Cũng theo vị quan chức này, việc tính toán giá than cần có lộ trình để ngành điện kịp điều chỉnh giá phù hợp, tránh tác động lớn tới đời sống xã hội.

Than và điện đều là 2 nhà cung cấp độc quyền nhưng hiện nay điện sản xuất cung chưa đủ cầu nên vẫn phải nhập khẩu giá cao để bán giá thấp, trong khi  than là tài nguyên quốc gia nên cần được ưu tiên sử dụng trong nước để đảm bảo an ninh năng lượng. Nói cách khác, muốn thu hút đầu tư cho nền kinh tế và đảm bảo ổn định đời sống đại đa số người dân có thu nhập chưa cao thì phải duy trì giá điện ở mức hợp lý. Muốn thế, giá than bán cho điện cần phải tính toán ở mức thấp một cách hợp lý. Được biết, Cục Điều tiết điện lực đã đề nghị Bộ Công thương có văn bản báo cáo Thủ tướng chỉ cho phép tăng giá than ở mức độ phù hợp trên cơ sở giá thành sản xuất cộng lợi nhuận cho ngành than ở mức hợp lý so với ngành điện./.

Theo Công Thương