Tình trạng bán tháo tăng mạnh trong phiên 5/1 đã khiến giá dầu WTI giảm xuống 49,92 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 4/2009. Giá dầu thô Brent giao sau quanh mốc 53 USD/thùng, giảm 3USD sau khi tuột xuống 52,66USD, đáy thấp nhất kể từ tháng 5/2009. So với tháng 6/2014, dầu mất gần 55% giá trị.

Theo nhận định của các nhà phân tích, chỉ số USD đang giữ ở mức cao gần 9 năm so với rổ tiền tệ trước khả năng Fed sẽ sớm nâng lãi suất, trong khi Hy Lạp rất có thể sẽ phải rời euzone đã khiến nhu cầu đầu tư vào dầu mỏ và các tài sản khác trở nên mờ nhạt.

Liên quan đến nguồn cung, các nhà phân tích tại ngân hàng Commerzbank cho biết, hai nước sản xuất dầu lớn là Nga và Iraq đã gia tăng sản lượng và xuất khẩu dầu lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ.

“Mặc dù xu hướng tiêu cực trên thị trường dầu sẽ kéo dài trong ngắn hạn, chúng tôi cho rằng giá dầu hiện tại là quá thấp và kỳ vọng giá nhiên liệu này sẽ sớm ổn định”, các chuyên gia cho biết.

Theo các chuyên gia, thị trường dầu mỏ năm nay đang phải đối mặt với nhiều vấn đề hơn, trong đó có nguồn cung dồi dào từ Nga và Iraq. Ngoài ra, nguồn cung dồi dào, nhất là tại Mỹ, và tăng trưởng nhu cầu yếu ớt đã khiến giá dầu liên tục tuột dốc những tháng qua.

Trước tình trạng giá dầu liên tục giảm, một số nhà sản xuất dầu Mỹ đã giảm chi tiêu trong năm 2015 nhưng có thể phải mất nhiều tháng trước khi tăng trưởng nguồn cung chậm lại đủ để giảm dư cung toàn cầu.

Thông tin từ Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ cho thấy, sản lượng trong tuần kết thúc ngày 12/12 lên tới 9,14 triệu thùng/ngày – cao nhất kể từ khi cơ quan này bắt đầu thống kê vào tháng 1/1983. Sản lượng trung bình năm 2015 được dự báo sẽ ở mức bình quân 9,32 triệu thùng.

Theo dự báo của một số chuyên gia, giá dầu có thể sẽ tiếp tục giảm trong vài tuần tới và sẽ ảnh hưởng lớn tới môi trường đầu tư tại Mỹ. Mặc dù về cơ bản, đà lao dốc của giá dầu đang thúc đẩy chi tiêu hộ gia đình nhưng lại hạn chế đầu tư của doanh nghiệp vào thiết bị./.