Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cá ngừ 2 tháng đầu năm đạt mức tăng trưởng mạnh nhất trong nhóm hàng thủy sản với giá trị  98,5 triệu USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này lại đáng lo ngại vì chủ yếu do tăng về sản lượng, trong khi giá cá ngừ đang giảm khoảng 20 đến 30% so với trước đây.

Ông Nguyễn Khắc Tân, Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Phú Yên – 1 trong 3 địa phương có sản lượng cá ngừ cao nhất cả nước cho biết: Sản lượng cá ngừ tăng là do người dân sử dụng phương pháp đánh bắt bằng đèn cao áp ngày càng nhiều. Ưu điểm của phương pháp này là sản lượng lớn nhưng chất lượng thấp do cá tiếp xúc với cường độ ánh sáng mạnh và phương tiện bảo quản chưa đảm bảo. Giá trị cá khai thác bằng phương pháp này thấp, hiện chỉ ở mức khoảng 65.000 đồng/kg, bằng một nửa so với cá ngừ đánh bắt bằng phương pháp câu tay truyền thống.

Bên cạnh đó, đánh bắt cá ngừ bằng đèn cao áp cũng đang gây khó khăn cho nghề câu cá ngừ truyền thống vì  nguồn lợi giảm mạnh. Để tránh tình trạng lãng phí nguồn lợi, giảm hiệu quả khai thác của ngư dân, ông Nguyễn Khắc Tân cho rằng ngành chức năng cần có quy định điều tiết để tránh tình trạng lạm dụng khai thác cá ngừ bằng ánh sáng.

“Sử dụng câu truyền thống, câu tay thì sản lượng một chuyến biển giảm so với trước đây rất nhiều, rơi vào tình trạng bị thua lỗ. Hiệp hội đã đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền có quy định để điều tiết, đảm bảo khai thác cá ngừ đạt chất lượng, giá trị và bảo vệ được thương hiệu cá ngừ Việt Nam trên thị trường quốc tế. Về lâu dài, nó tạo cho nghề này sự phát triển ổn định bền vững”- ông Nguyễn Khắc Tân cho biết thêm./.