Trong 2 ngày 13 và 14/11, tại thành phố Đà Nẵng, Cục khai thác và Bảo vệ nguồn lợi Thuỷ sản Việt Nam phối hợp với Uỷ ban Quản lý nghề cá Tây và Trung Thái Bình Dương tổ chức hội thảo đánh giá tư vấn liên quan đến thể chế chính sách trong quản lý nghề cá ngừ đại dương của Việt Nam.

Việt Nam nằm trong số những quốc gia có nguồn lợi về cá ngừ đại đương với trữ lượng 665.000 tấn, và cũng là nước xuất khẩu cá ngừ lớn thứ 3 trên thế giới, giá trị xuất khẩu năm 2011 đạt hơn 400 triệu USD. Tuy nhiên đến nay, Việt Nam chưa có văn bản qui phạm pháp luật nào qui định riêng về cá ngừ. Thực tiễn đặt ra là cần phải rà soát lại hệ thống pháp luật Việt Nam so sánh với pháp luật quốc tế, trên cơ sở đó đề xuất Nhà nước ban hành các văn bản về cá ngừ ở Việt Nam. Trong khuôn khổ Dự án quản lý nghề cá đại dương vùng Đông Á khu vực Tây Thái Bình Dương, thuộc Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc triển khai từ tháng 7 năm 2010, Cục khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Việt Nam phối hợp với Uỷ ban quản lý nghề cá Tây và Trung Thái Bình Dương tổ chức hội thảo “Quản lý nghề cá ngừ Việt Nam” nhằm đánh giá kết quả thực hiện dự án, rà soát chính sách pháp luật, thể chế chính sách và cơ cấu tổ chức của Việt Nam đối với hoạt động khai thác quản lý nghề cá ngừ đại dương. Đây là hoạt động góp phần tạo cơ sở để Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Uỷ ban nghề  cá Tây và Trung Thái Bình Dương trong tương lai.

Ông Phạm Trọng Yên, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế Tổng cục Thuỷ Sản cho biết: “Việt Nam hiện nay thiếu rất nhiều các điều kiện muốn gia nhập tổ chức phải chuẩn bị lực lượng về cơ cấu tổ chức hệ thống pháp luật chế độ quản lý của mình. Để hỗ trợ Việt Nam từ năm 2010, Uỷ ban nghề cá Tây và Trung Thái Bình Dương hỗ trợ Việt Nam cùng với Philippines, Indonesia về dự án quản lý nghề cá ngừ đại dương trong việc nâng cao năng lực quản lý hướng tới lâu dài để Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Uỷ ban nghề cá Tây và Trung Thái Bình Dương”./.