Theo số liệu trên Coindesk, mở cửa phiên giao dịch hôm nay (29/11), giá Bitcoin đạt 9.908,23 USD trên mỗi đơn vị. Đêm qua, giá đồng tiền mã hóa này đã chạm mốc cao nhất từ trước tới nay: 10.044,29 USD.

gia_bitcoin_muyi.jpg
Giá Bitcoin lập kỷ lục mới (Ảnh: Coindesk)

Vốn hóa thị trường của Bitcoin đang ở ngưỡng trên 167 tỷ USD và số Bitcoin cung ứng là 16.707.525 đồng.

Tính từ đầu năm tới nay, giá trị Bitcoin đã tăng hơn 850%. Nếu giữ nguyên đà tăng trưởng này trong năm 2018, tổng giá trị thị trường của Bitcoin có thể đạt 1,5 nghìn tỷ USD, cao hơn tất cả các công ty trên thế giới.

Bitcoinhiện là đồng tiền ảo "hot" nhất khi mà các đồng tiền tách ra như Bitcoin Cash hay Bitcoin Gold không đạt được mức tăng kỷ lục như Bitcoin.

Mặc dù giời đầu tư đang mạnh tay đổ tiền vào mua Bitcoin nhưng một số "ông lớn" ngân hàng và chuyên gia phân tích vẫn tỏ ra e ngại về tính bảo mật và "bong bóng" của đồng tiền mã hóa này.

Lo ngại về tính bảo mật

Mới đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã bắt đầu một cuộc điều tra về tiền ảo. Ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới cũng không mấy hào hứng với ý tưởng về một đồng tiền ảo do ngân hàng trung ương phát hành.

Chia sẻ trên Bloomberg, Thống đốc FED Jerome Powell - người vừa được đề cử cho cương vị Chủ tịch FED sau khi đương kim Chủ tịch Janet Yellen hết nhiệm kỳ - nhận định, công nghệ tiền ảo vẫn còn có những vấn đề kỹ thuật. Ông Jerome Powell vẫn còn băn khoăn về việc quản lý rủi ro đối với loại tiền mã hóa này.

Theo ông Jerome Powell, nhiều thách thức lớn đối với một đồng tiền ảo do ngân hàng trung ương phát hành, trong đó có các vấn đề liên quan đến bảo mật.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) liên tục cảnh báo về những mối nguy của việc đầu tư vào tiền ảo.

Phó Chủ tịch ECB Vitor Constancio cho rằng, Bitcoin không phải là một đồng tiền, mà là một "bông hoa tulip" (ngầm cảnh báo về một bong bóng Bitcoin tương tự như bong bóng hoa tulip đã từng xảy ra ở Hà lan).

Giá Bitcoin biến động khôn lường, hiện đã vượt mốc 10.000 USD (Nguồn: Coindesk)

Một số chuyên gia phân tích cũng bày tỏ lo ngại về tính bất ổn của Bitcoin khi đồng tiền này biến động tăng - giảm khôn lường với biên độ quá rộng. Ngoài ra, đồng tiền ảo này rất dễ dính líu với hoạt động trốn thuế, rửa tiền và tội phạm công nghệ cao.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) cũng có động thái "mạnh tay" với tiền ảo khi nghiêm cấm huy động vốn thông qua Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác.

Bitcoin bị cấm ở Việt Nam

Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa thông báo rõ: Bitcoin không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng, sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam. 

Trong phiên chất vấn trước Quốc hội mới đây, trả lời câu hỏi các đại biểu về lời giải cho đồng tiền số này, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định, Bbitcoin là vấn đề không chỉ của Việt Nam. Nhiều nước còn đang nghiên cứu điều chỉnh và quản lý đồng tiền mã hóa này. Có một số nước có nguyên tắc cách thức quản lý, có nước cấm tuyệt đối, có nước chỉ khuyến cáo, có nước coi đây là phương tiện thanh toán.

Ông Lê Minh Hưng khẳng định, quan điểm của NHNN đã có ý kiến nhiều lần và có thông cáo. Quy định pháp luật hiện hành thì đây ko hải là đồng tiền pháp định, nên coi phương tiện thanh toán là không đúng.

Nhìn nhận dưới góc độ là tài sản, hàng hoá thì vẫn còn ý kiến khác nhau. Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì nghiên cứu đề án khuôn khổ pháp lý quản lý tiền ảo, trong đó có Bitcoin, ông Hưng cho hay.

Thống đốc cũng lưu ý thêm, xu thế phát triển cần có khung khổ pháp lý phù hợp.

Về chế tài xử lý vi phạm, Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức phạt tiền từ 150 - 200 triệu đồng.

Đồng thời, từ ngày 1/1/2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017)./.