Ông Đinh Văn Ngọc, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) cho hay, BSR đã cử một đoàn công tác ra đàm phán hợp đồng của 6 tháng cuối năm với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Sau đó, sẽ tiếp tục đàm phán với các đầu mối xăng dầu khác.
Sở dĩ có việc này là do vừa qua các đầu mối kinh doanh xăng dầu không mặn mà với việc mua sản phẩm dầu diesel của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, do giá bán của nhà máy này cao hơn so với nhập khẩu khoảng 5%.
Thuế nhập khẩu đối với xăng dầu hiện nay được áp dụng theo Thông tư 78/2015/TT-BTC, có hiệu lực từ ngày 21/5/2015. Theo đó, dầu diesel chịu thuế suất thuế nhập khẩu là 10%, dầu mazut là 10% và Jet A1 giữ nguyên mức 10%.
Hiện sản phẩm xăng dầu của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đang được bán cho các thương nhân đầu mối theo cùng công thức tính giá và tương đương với mặt hàng xăng dầu nhập khẩu tại cùng thời điểm, nên mức thuế mới sửa đổi của một số mặt hàng như dầu diesel và mazut đã góp phần hỗ trợ cho công tác tiêu thụ sản phẩm xăng của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Tuy nhiên, với dầu diesel và Jet A1 lại đang gặp khó khăn so với dầu nhập khẩu có thuế suất ưu đãi đặc biệt theo biểu thuế dành cho khu vực ASEAN (ATIGA).
Tồn kho của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất tại thời điểm cuối tháng 6/2015 ước khoảng 120.000 m3. (Ảnh: Báo Đầu tư) |
Đại diện BSR cũng cho hay, hiện việc tiêu thụ sản phẩm diesel của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vẫn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt với lượng diesel chào bán spot hàng tháng. BSR chỉ bán bổ sung (spot) được 26.000 m3 diesel trong tháng 5/2015 và 20.000 m3 trong tháng 6/2015. “Điều này sẽ làm tồn kho của nhà máy luôn ở mức cao”, ông Ngọc nhận xét và cho biết, dự kiến lượng tồn kho diesel cuối tháng 6/2015 là khoảng 120.000 m3, tương đương 76%.
Đáng chú ý là, diesel cũng là sản phẩm chính của BSR, khoảng 3,3 triệu tấn/năm, chiếm gần 50% tổng lượng sản phẩm toàn nhà máy. Còn mặt hàng Jet A1 là sản phẩm đáp ứng không nhỏ cho nhu cầu nhiên liệu bay của cả nước.
Bởi vậy, BSR đang rất lo lắng nguy cơ tồn kho lớn của sản phẩm này, dẫn tới phải giảm công suất của nhà máy, ảnh hưởng lớn đến kế hoạch kinh doanh và hiệu quả của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng cho hay, tháng 3/2015, một số doanh nghiệp đầu mối lớn như Petrolimex, Petrolimex Aviation đã có công văn đề nghị giảm khối lượng mua xăng dầu đã ký theo hợp đồng dài hạn năm 2015 từ BSR để tăng lượng xăng dầu nhập khẩu có nguồn gốc form D.
Ngoài ra, sản lượng xăng dầu của Nhà máy sản xuất vượt kế hoạch được chào bán theo hợp đồng chuyến giao trong tháng 4/2015 cũng chỉ có 1 doanh nghiệp đầu mối tham gia chào mua.
Trước đó, khi thuế nhập khẩu xăng dầu áp dụng theo Thông tư 48/2015/TT-BT, thuế nhập khẩu ưu đãi với dầu diesel xuống mức 20% và Jet A1 là 10% thì giá bán của diesel của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vẫn cao hơn so với mặt hàng diesel được nhập khẩu từ ASEAN có form D về khoảng 10 USD/thùng và Jet A1 là 3,5 USD/thùng (mức giá tháng 4/2015).
Ông Ngọc cho hay, BSR kiến nghị Bộ Tài chính điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu của diesel và Jet A1 để bảo đảm hàng của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cạnh tranh được với hàng nhập khẩu form D. “Chúng tôi vẫn phải kiến nghị lại bởi các kiến nghị trước đây của BSR và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam liên quan tới thuế nhập khẩu diesel và Jet A1 vẫn chưa được xử lý”, ông Ngọc nói rõ.
Dẫu vậy thì Bộ Tài chính sau khi ban hành Thông tư 78/2015/TT-BTC cũng đã cho rằng, không có sự chênh lệch giữa thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi và thuế suất theo ATIGA áp dụng cho năm 2015 với các mặt hàng dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut và Jet A1.
Kiến nghị điều hành chính sách thuế nhập khẩu xăng dầu phù hợp trong giai đoạn 2015-2018, đảm bảo cho việc tiêu thụ xăng dầu của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất bởi chênh lệch thuế, các quan chức của PVN cũng lo ngại, ở thời điểm hiện tại, BSR đang được hưởng cơ chế thuế nhập khẩu sản phẩm nên khả năng cạnh tranh tương đương với các đơn vị cung cấp khác trong cùng lĩnh vực. Tuy nhiên, sau năm 2018, nếu không được hưởng các cơ chế ưu đãi thì sức cạnh tranh của BSR sẽ thấp hơn các đơn vị cùng lĩnh vực./.