Thông tin được ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) trao đổi bên lề hội nghị triển khai những quy định mới về xuất khẩu gạo đi Trung Quốc diễn ra ngày 7/6 tại TP HCM.
Một số loại gạo Việt Nam trưng bày trong các hoạt động xúc tiến thương mại. (Ảnh: NLĐO) |
DN Trung Quốc có hạn ngạch nhập khẩu nhưng không trực tiếp nhập khẩu có thể “bán” lại hạn ngạch cho DN khác nên nhìn chung chi phí gạo nhập khẩu bị đội lên, để không quá cạnh tranh với gạo nội địa.
Do vậy, thương nhân Trung Quốc thích nhập khẩu tiểu ngạch gạo từ Việt Nam hơn do lợi nhuận lớn vì không mất nhiều chi phí. Tuy vậy, với Việt Nam đây là thị trường nhiều rủi ro, hàng hóa phải đi đêm, qua cửu vạn và bị phía Trung Quốc xếp vào dạng hàng nhập lậu.
Theo thống kê, hiện Trung Quốc là thị trường nhập gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 35% tổng lượng gạo xuất khẩu chính ngạch. Nếu tính thêm lượng gạo xuất tiểu ngạch có thể chiếm trên 50%.
Mới đây, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết Hiệp định thư về xuất khẩu gạo sang Trung Quốc và dự báo sẽ hút lượng gạo từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch nhiều hơn.
Theo đó, Việt Nam sẽ có 9 nhà máy khử trùng (biện pháp xử lý dịch hại) và sẽ được phía Trung Quốc sang kiểm tra trong thời gian tới. Việt Nam cũng sẽ cung cấp cho Trung Quốc danh sách các DN Việt Nam xuất khẩu gạo sang Trung Quốc và nước này sẽ sang Việt Nam kiểm tra. DN Việt Nam xuất khẩu gạo sẽ tuân thủ quy định về dịch hại cũng như an toàn thực phẩm của nước này.
Theo ông Huệ, trong 131 DN đủ điều kiện xuất khẩu gạo của Việt Nam có khoảng 30-40 DN xuất khẩu gạo với số lượng lớn sang Trung Quốc. "Về nguyên tắc, VFA sẽ giới thiệu toàn bộ DN này nhưng ưu tiên các DN xuất khẩu lượng lớn, cơ sở vật chất tốt, uy tín để phía Trung Quốc sang kiểm tra" - ông Huệ nói.
Hiện tại, chưa có thời gian chính thức nhà chức trách Trung Quốc sang kiểm tra vùng trồng lúa, nhà máy xay xát chế biến của Việt Nam nhưng họ sẽ có 2 tuần kiểm tra tại Việt Nam và kinh phí do Việt Nam chi trả./.