Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tại các trạm thu phí trên đường cao tốc TP HCM  - Trung Lương, công ty TNHH MTV sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh đã tổ chức điều phối xe tải lưu hành qua làn bố trí cân, cập nhật tự động kết quả ngay từ thời gian đầu thực hiện hợp đồng nhượng quyền thu phí.

Các thiết bị cân xe đã được lắp đặt tại các cửa vào tại các trạm thu phí trên đường cao tốc TP HCM  - Trung Lương đảm bảo sai số cho phép, theo giấy chứng nhận hiệu chỉnh do Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh Đồng Nai cấp.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, gần như 100% xe tải đã không lưu thông qua những trạm cân này (trong tháng 5/2014 chỉ cân được 23 xe/31.182 xe lưu thông) là tỷ lệ đạt quá thấp, chứng tỏ các đơn vị có liên quan đã chưa tổ chức điều phối tốt.

Hơn nữa, theo báo cáo hàng tháng của công ty TNHH MTV sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh, đối với những xe đã qua trạm cân mới chỉ có số liệu tải trọng cả xe qua cân, chưa có số liệu về tải trọng trục mặc dù thiết bị cân đã lắp đặt đủ khả năng xác định tải trọng trục.

cttl1_sgrw.jpgLắp đặt trạm cân trên tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương. (Ảnh: KT)
Trước tình trạng này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản gửi Cục Quản lý đường bộ IV; Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM) cùng Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh về việc nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra tải trọng xe trên tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương.

Cụ thể, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị CIPM làm việc với Công ty Yên Khánh để lập phương án tổ chức thực hiện hiệu quả công tác điều phối xe tải qua làn bố trí thiết bị cân.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng giao Cục Quản lý đường bộ IV phối hợp với CIPM và Công ty Yên Khánh chuẩn bị phương án tổ chức tiếp nhận số liệu cân xe theo hướng xử lý phương tiện vi phạm tại khu vực mặt bằng trạm dịch vụ (Km28+200) trong trường hợp cần thiết./.