Nhóm các nền kinh tế mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G20) hôm qua 10/10 đã nhóm họp bên lề Hội nghị thường niên Quỹ Tiền tệ Quốc (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đang diễn ra ở Washington (Mỹ).
Phát biểu trước báo giới sau cuộc họp, Bộ trưởng Ngân khố Australia - Joe Hockey, Chủ tịch của nhóm Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng G20, đã bày tỏ lạc quan về nền kinh tế toàn cầu.
Bộ trưởng Hockey cũng cho rằng, nền kinh tế châu Âu sẽ cải thiện hơn nếu khu vực này thực hiện cải cách cơ cấu. Theo ông Hockey, mặc dù sự phục hồi kinh tế toàn cầu vẫn còn yếu và không đồng đều, nhưng G20 được trang bị tốt để đương đầu với bất cứ thách thức kinh tế nào.
“Tôi tin tưởng rằng, G20 được trang bị tốt sẽ giải quyết bất cứ thách thức kinh tế toàn cầu nào trong tương lai. Điều không thể bác bỏ được là việc G20 đang tăng trưởng mạnh mẽ, bởi vì đây là sự tăng trưởng có mục đích. Tôi thực sự lạc quan rằng, với các kế hoạch và nỗ lực, chúng tôi có thể thúc đẩy kinh tế toàn cầu”, ông Hockey nói.
Ông Hockey cũng cho biết, các chiến lược tăng trưởng của G20 bao gồm 900 giải pháp đang ở trên bàn thảo luận, nhằm giúp thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu 1,8% trong 5 năm tới. Điều này cũng đồng nghĩa với khoản tiền 2.000 tỷ USD cho thị trường thế giới và hàng triệu việc làm cho thị trường lao động.
G20 (chiếm tới 85% sản lượng kinh tế toàn cầu), đã đồng ý tại cuộc họp của nhóm này tháng 9 sẽ vực dậy tăng trưởng trong những năm tới chủ yếu, thông qua đầu tư công vào cơ sở hạ tầng. Song bằng chứng mới về yếu kém tại khu vực đồng tiền chung châu Âu, trong đó có Đức, đã gây bất ổn với thị trường tài chính.
Bất chấp những yếu tố bất ổn, G20 đã đạt được những bước tiến và thiết lập một cơ cấu chi tiêu, vốn sẽ giúp thúc đẩy các nền kinh tế trong ngắn hạn đồng thời cải thiện triển vọng tăng trưởng dài hạn.
Hôm 10/10, thị trường chứng khoán toàn cầu rơi xuống mức thấp nhất trong 7 tháng qua. Giá dầu thấp kỷ lục kể từ năm 2010. Trong khi đó, đồng USD lần đầu rớt giá trong 13 tuần qua, khiến Cục dự trữ Liên bang Mỹ có thể phải trì hoãn chính sách thắt chặt tiền tệ./.