Những số liệu kinh tế của Mỹ và khu vực đồng tiền chung châu Âu trong thời gian gần đây cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, song cuộc khủng hoảng tại Ukraine lại đang đe dọa đến mọi nỗ lực cải thiện của nền kinh tế.
Với giá cả ổn định và doanh thu tốt từ thị trường bán lẻ, nền kinh tế Mỹ được dự báo sẽ tăng tốc trong tuần này. Điều này cũng tạo động lực cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ thu hẹp lại gói kích thích kinh tế QE3 trong thời gian vừa qua.
Tại khu vực đồng tiền chung châu Âu, rất nhiều các nhà đầu tư đang băn khoăn liệu Ngân hàng Trung ương châu Âu có thực hiện gói kích thích kinh tế hay không, trong bối cảnh khu vực công nghiệp đang phục hồi chậm song có chiều hướng tích cực.
Tuy nhiên, cuộc trưng cầu ý dân tại miền Đông Ukraine đang có nguy cơ gây ra một cuộc nội chiến, sẽ tác động nghiêm trọng tới hoạt động thương mại giữa các quốc gia.
“Khủng hoảng leo thang tại Ukraine có thể gây ra sự bất ổn của nhiều quốc gia trên thế giới. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu, trong bối cảnh sự phục hồi còn chậm”, Carsten Brzeski, chuyên gia kinh tế thuộc Công ty dịch vụ tài chính ING nhận định.
Mặc dù các lệnh trừng phạt của châu Âu đối với Nga hiện nay mới chỉ mang tính “hình thức”, song trước những mối đe dọa trừng phạt từ Mỹ hoặc châu Âu nhắm vào ngành công nghiệp chính hoặc ngân hàng Nga, các nhà đầu tư đang tỏ ra khá bất an.
Trao đổi với hãng tin Reuters, các nhà ngoại giao cho biết, trong tuần này sẽ có danh sách các công ty đầu tiên chịu sự trừng phạt tăng cường của châu Âu, thông qua đóng băng tài sản của họ nhằm đánh dấu lập trường cứng rắn đối với Nga.
Tuy nhiên, châu Âu là một trong những đối tác thương mại chính của Nga. Do đó, việc áp lệnh trừng phạt đối với Nga sẽ đe dọa tới hoạt động kinh tế của khu vực này.
Trong đó phải kể đến một số quốc gia có quan hệ thương mại chặt chẽ với Nga. Đức và Italia xuất khẩu 3% kim ngạch hàng hóa sang Nga, trong khi Pháp xuất khẩu khoảng 2% kim ngạch sang thị trường này. Đây không phải là những con số lớn, nhưng trong bối cảnh nền kinh tế châu Âu đang phải đối mặt hiện nay, sự sụt giảm nhỏ trong nguồn cầu cũng đem lại những tác động khó lường.
Bên cạnh đó, các nhà băng Pháp là những doanh nghiệp cho Nga vay nhiều nhất tại châu Âu. Dù vậy, các khoản vay này chỉ chiếm 0,6% tổng tài sản của họ.
Trong khi đó, trên lĩnh vực thương mại – đầu tư, các công ty Đức cũng không tránh khỏi thiệt hại. Hãng điện tử Siemens có khoảng 2 tỷ euro doanh thu hàng năm từ thị trường Nga. CEO Joe Kaeser của Siemens cho biết trên CNN: "Tôi rất lo ngại về việc này và thời gian để đưa mọi chuyện về tầm kiềm soát. Nó sẽ tác động tiêu cực đến tất cả các bên, xã hội, người dân và nền kinh tế".
Đơn đặt hàng tại các nhà máy tại Đức cũng giảm 2,8% trong tháng 3 so với tháng trước, giảm mạnh hơn mức dự đoán 0,2% của giới phân tích.
Tăng trưởng kinh tế của Liên minh châu Âu được dự đoán đạt 1,6% trong năm nay và 2% trong năm sau, so với mức 0,1% trong năm ngoái. EC cũng dự báo 18 quốc gia trong khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ tăng trưởng 1,2% trong năm nay và 1,7% trong năm sau.
Tuy nhiên, những căng thẳng giữa EU và Nga xung quanh vấn đề Ukriane có thể khiến mục tiêu trên khó có thể trở thành hiện thực. Bên cạnh đó, lạm phát thấp cũng là một mối đe dọa đối với nền kinh tế châu Âu.
EC dự báo, lạm phát của eurozone có thể giảm còn 0,8% trong năm 2014 trước khi tăng lên 1,2% trong năm sau. Số liệu mới nhất này thấp hơn nhiều so với mức dự đoán lạm phát 1,5% trong năm nay đưa ra trước đây và mục tiêu 2% của Ngân hàng trung ương châu Âu.
Cuộc khủng hoảng Ukraine cũng đang tác động đáng kể đến chính nền kinh tế vốn tồn tại nhiều bất ổn của Nga. Điều này đã dập tắt hy vọng rằng năm 2014 sẽ là năm phục hồi mạnh mẽ của kinh tế quốc gia, và đẩy Nga đến bên bờ vực suy thoái kinh tế do các nhà đầu tư liên tục rút vốn khỏi thị trường này. Chỉ trong quý I năm nay, đã có tới 50,6 tỷ USD bị rút khỏi Nga, trong khi con số của cả năm 2013 là 63 tỷ USD.
Đồng Rúp liên tục mất giá, trong khi lạm phát tăng nhanh chính là những lý do khiến việc chi tiêu của người dân Nga trở nên ngày càng khó khăn. Điều này cũng dẫn đến sự sụt giảm trong tiêu dùng, đe dọa đến sức khỏe của toàn bộ nền kinh tế.
Bất chấp những nỗ lực khẩn cấp của Ngân hàng Trung ương Nga, đồng Rúp đã giảm giá tới 7,2% từ đầu năm nay và trở thành đồng tiền có biểu hiện xấu thứ 3 trong số 24 đồng tiền mới nổi của thế giới. Chỉ trong tháng 4 vừa qua, đồng Rúp cũng đã giảm giá tới 0,5%./.