Thực hiện Nghị quyết TW 3 và Nghị quyết TW 9 (Khoá IX) về hình thành một số tập đoàn kinh tế mạnh do Tổng công ty nhà nước làm nòng cốt, Chính phủ vẫn giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chịu trách nhiệm chính trong việc đảm bảo điện ổn định, an toàn cho phát triển kinh tế-xã hội.

EVN cho biết, bình quân mỗi năm, EVN vẫn thực hiện bù lỗ 5.000 tỷ đồng cho điện nông thôn. Suất vốn đầu tư bình quân cho một hộ 9,6 triệu đồng, cao nhất là 21 triệu đồng trong khi giá bán điện cho các hộ dân nông thôn chỉ có 550 đ/kWh, thấp hơn 289 đ/kWh so với giá thành sản xuất điện của EVN. Bên cạnh đó, EVN tiếp tục thực hiện tốt chủ trương của Đảng và nhà nước đưa điện về nông thôn. Hiện điện lưới quốc gia đã đến toàn bộ 63 tỉnh, thành phố, 100% số huyện đã có điện lưới, 97,2% số xã và 94,3% số hộ nông thôn có điện sử dụng cho sinh hoạt. Theo Quy hoạch điện VI được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, EVN đảm nhận đầu tư khoảng 50% công suất phát điện mới và toàn bộ lưới điện đồng bộ, tổng vốn đầu tư cần thiết cho nguồn và lưới điện giai đoạn 2007-2015 khoảng 700.000 tỷ đồng.

Hiện EVN đang triển khai xây dựng 24 nhà máy điện với tổng công suất trên 8.500 MW, tổng mức đầu tư 129.000 tỷ đồng, dự kiến đưa vào vận hành từ nay đến 2010. Để huy động tối đa nguồn vốn tự có, EVN dự kiến sẽ thành lập các công ty cổ phần với sự tham gia góp vốn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các nhà đầu tư nước ngoài và các cổ đông có tiềm năng khác.

Tuy nhiên, EVN cho rằng, với khoảng 50% tổng công suất còn lại hoàn toàn phụ thuộc vào các nhà đầu tư bên ngoài như BOT/IPP, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam... nên Chính phủ và các bộ ngành cũng phải có những giải pháp quyết liệt thì mới đảm bảo được đủ điện cho nền kinh tế.

Liên quan đến việc hoàn thiện bộ máy tổ chức, quản lý và hoạt động theo mô hình tập đoàn kinh tế, đảm bảo cung cấp đủ điện năng cho nhu cầu phát triển kinh tế, tại Hội nghị sơ kết thí điểm tập đoàn kinh tế do Bộ Công Thương tổ chức ngày 20/11, EVN kiến nghị Chính phủ xem xét ban hành cơ chế cho những ngành đặc thù trong ngành điện để khắc phục vướng mắc khi thực hiện Điều 120 Luật Doanh nghiệp liên quan việc ký kết hợp đồng mua bán điện giữa EVN và các công ty cổ phần mà EVN nắm giữ cổ phần chi phối, đặc biệt khi EVN là người mua duy nhất trong giai đoạn thị trường phát điện cạnh tranh hiện nay.

Đồng thời, có chế tài quản lý minh bạch, bình đẳng, không phân biệt đối xử với các doanh nghiệp cùng hoạt động trong đầu tư, kinh doanh điện để đảm bảo an ninh hệ thống điện, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Các chế tài này vừa phải đảm bảo để các doanh nghiệp hoạt động tự chủ theo Luật Doanh nghiệp, vừa ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội khi có nguy cơ thiếu điện./.