Là tỉnh tiếp giáp nước bạn Campuchia qua các cửa khẩu quốc tế, lại là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, Tây Ninh có nhiều tiềm năng để trở thành một trung tâm du lịch sinh thái, văn hóa - lịch sử và tâm linh của khu vực miền Ðông Nam Bộ và cả nước. Trong những năm qua du lịch Tây Ninh cũng đã có những bước phát triển đáng kể, song hiệu quả vẫn còn hạn chế, du lịch chưa thểtrở thành một ngành kinh tế mũi nhọn.
Tiềm năng lớn…
Cách thành phố Hồ Chí Minh 100km, Tây Ninh có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch so với các tỉnh, thành trong vùng Đông Nam Bộ. Trước hết, Tây Ninh là tỉnh có vị trí thuận lợi kết nối các các nền kinh tế Xuyên Á, với đường biên giới dài 240km tiếp giáp với Campuchia, với 2 cửa khẩu quốc tế và hơn 10 cửa khẩu phụ đang hoạt động ngày một sôi động. Hơn nữa với tuyến đường xuyên Á đi qua, Tây Ninh còn trở thành cầu nối giữa vùng kinh tế trọng điểm phía nam với các nước trong khu vực Ðông - Nam Á thông qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài và qua đó nối các tour, tuyến du lịch đưa du khách từ Campuchia, Thái Lan, các nước ASEAN vào Việt Nam hoặc đưa khách trong nước sang du lịch nước bạn.
Bà Phạm Thị Sương, Trưởng phòng nghiệp vụ du lịch – Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh cho biết: Trong những năm qua, ngành du lịch Tây Ninh đã có những bước phát triển khả quan, với lượng khách gia tăng mỗi năm. Cụ thể năm 2013, Tây Ninh đón 3,5 triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước, trong đó riêng núi Bà Đen đã thu hút 2,4 triệu lượt khách.Tuy nhiên, so với tiềm năng và những lợi thế hiện có thì Tây Ninh vẫn chưa tận dụng, khai thác hết những thế mạnh của mình để phát triển du lịch một cách tương xứng. Nguyên nhân do cơ sở vật chất phục vụ khách du lịch còn thiếu và yếu. Tính đến thời điểm này, cả tỉnh có 440 khách sạn 1-2 sao mà chưa có khách sạn 3 sao, trung tâm tổ chức hội nghị cũng không có. Các khu du lịch của tỉnh rất ít, hầu hết còn ở dạng đầu tư ban đầu như Long Điền Sơn hoặc chỉ ở dạng tiềm năng như Ma Thiên Lãnh, Hồ Dầu Tiếng. Hơn nữa, các khu du lịch nổi tiếng của tỉnh cũng chỉ đơn thuần là tham quan, tìm hiểu mà còn thiếu nhiều dịch vụ hỗ trợ như: dịch vụ vui chơi giải trí, văn hoá, mua sắm... nên không thể níu chân du khách ở lại dài ngày.
Bà Phạm Thị Sương nói: “Tây Ninh có nhiều khu du lịch đã được quy hoạch nhưng chưa kêu gọi được các nhà đầu tư. Vì vậy, hiện nay mới chỉ tập trung vào khu du lịch Núi Bà Đen- là sản phẩm chủ yếu về tâm linh”.
Cũng theo bà Phạm Thị Sương, sở dĩ Tây Ninh không giữ chân được du khách ở lại qua đêm bởi khách tour từ thành phố Hồ Chí Minh theo tuyến Củ Chi đến Tây Ninh, Núi Bà Đen, rồi đến Tòa thánh rồi về. “Nói chung là hạ tầng du lịch chưa kết nối được, bởi cơ sở phục vụ du lịch của Tây Ninh còn thiếu thốn” – bà Phạm Thị Sương nói.
Ngoài những thuận lợi về vị trí địa lý, Tây Ninh cũng là tỉnh có những nét độc đáo riêng mà không nơi nào có được đó là: Căn cứ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, Trung ương Cục miền Nam và nhiều di tích văn hóa khác như Tòa thánh Cao đài, Tháp Chóp Mạt, Núi Bà Đen, Hồ Dầu Tiếng, Vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát đặc trưng cho vùng đất ngập nước theo mùa… Đây chính là những tiềm năng lớn để Tây Ninh có thể phát triển hầu hết các loại hình du lịch từ truyền thống văn hoá, sinh thái, nghỉ dưỡng, mạo hiểm cả văn hoá tâm linh, nghiên cứu khoa học.
Theo kế hoạch từ nay đến năm 2020, Tây Ninh đã ban hành danh mục các dự án đầu tư cần thiết cho sự phát triển của hoạt động du lịch, làm cơ sở xây dựng và thực hiện chính sách thúc đẩy đầu tư, nhất là về cơ sở hạ tầng. Trong đó tập trung đầu tư xây dựng các khu, cụm du lịch như: cụm thị xã Tây Ninh - núi Bà Ðen, cụm Thiện Ngôn- Căn cứ Trung ương Cục miền nam. Kêu gọi đầu tư, phát triển mở rộng một số khu du lịch đã được quy hoạch như Khu du lịch Ma Thiên Lãnh - Núi Bà Ðen rộng 96 hécta. Một dự án trọng tâm khác đang được mời gọi đầu tư để xây dựng khu vực hồ Dầu Tiếng rộng 800 hécta thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi, thể thao. Tỉnh cũng hướng tới mục tiêu phát triển đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là động lực quan trọng cho kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cơ chế đầu tư chưa thu hút
Cơ sở hạ tầng yếu kém là nguyên nhân chính khiến Tây Ninh không thể thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Chính vì thế, du lịch Tây Ninh chưa bứt phá để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ông Trần Hữu Hậu- Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Tây Ninh thừa nhận: “Năm 2000-2005 tỉnh xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn để tập trung đầu tư nhưng đến bây giờ thì người ta không còn đặt ra mục tiêu đó nữa. Tiềm năng thì rất lớn nhưng không phát triển được do thu hút đầu tư kém. Có nhiều nguyên nhân, song một trong những nguyên nhân chính là phương cách trong thu hút đầu tư, nhiều nhà đầu tư đã đến đây rồi lại đi”.
Còn theo các DN du lịch ở Tây Ninh, để nâng cao chất lượng, thu hút khách du lịch đến với Tây Ninh, cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, tỉnh cần tập trung chú trọng phát triển các tuyến du lịch trọng điểm, xây dựng sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng của địa phương theo hướng chủ đạo là du lịch tâm linh, về nguồn và du lịch sinh thái.
Các đơn vị kinh doanh du lịch, lữ hành trên địa bàn tỉnh cũng kiến nghị nên sớm thành lập Hiệp hội du lịch của tỉnh làm đầu mối xây dựng thương hiệu du lịch cho tỉnh, kết nối với các tỉnh, thành phố tới các điểm đến trong tỉnh và thông tuyến lữ hành quốc tế sang Campuchia và các nước ASEAN khác chứ không để các doanh nghiệp mạnh ai nấy làm như hiện nay.
Ông Hồ Phước Đức- Giám đốc Công ty cổ phần lữ hành Tây Ninh cho rằng: Muốn du lịch phát triển thì cần có nhiều giải pháp đồng bộ. Thứ nhất, phải tăng cường quảng bá, tiếp thị để quảng bá hình ảnh du lịch Tây Ninh ở ngay các cửa khẩu. Hiện nay, Hiệp hội du lịch tỉnh sắp hình thành để mời gọi các doanh nghiệp trong tỉnh tham gia xây dựng thương hiệu du lịch Tây Ninh. Như hiện nay vẫn mạnh ai nấy làm”./.