Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội trên nghị trường chiều nay (31/10), bà Nguyễn Thị Kim Bé - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang, bày tỏ lo ngại trước tình trạng đầu tư hạ tầng công trình, dự án giao thông tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang trong cảnh “chắp vá”, trong khi BOT mở trạm thu phí cao.

ha_tang_dbscl_zfyr.jpg
Kết cấu hạ tầng giao thông ĐBSCL chưa đồng bộ (Ảnh minh họa: KT)

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé nêu thực trạng đầu tư hạ tầng giao thông cho ĐBSCL còn nhiều bất cập. Tuyến đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ đã được Chính phủ khởi công nhưng tới giờ vẫn “im hơi lặng tiếng”.

Đường Hồ Chí Minh qua ĐBSCL còn đoạn qua Ninh Thuận chưa đưa vào thông xe trong khi cả đoạn đã hoàn thành. Đường hành lang ven biển kết nối các nước tiểu vùng sông Mê Kong, các nước đã đưa vào khai thác, còn đường qua Việt Nam đoạn qua Hà Tiên lại dời kế hoạch sau năm 2020…, bà Bé nêu dẫn chứng.

Bà Bé cho rằng đầu tư hạ tầng giao thông kiểu “đứt đoạn” gây lãng phí. Bên cạnh đó, chất lượng đầu tư dự án quốc lộ 61 qua Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang đã xuống cấp, mới đi chưa được một năm đã hỏng nặng.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Bé 

Ngoài ra, theo bà Kim Bé, các dự án đầu tư hạ tầng bằng phương thức BOT cũng gây bức xúc trong dư luận. Đầu tư chắp vá đôi chút rồi lập trạm thu tiền của dân. Đặc biệt, người dân ĐBSCL muốn đi ra bên ngoài chỉ có một con đường độc đạo duy nhất là quốc lộ 1A, nhưng hàng loạt trạm BOT mọc lên gây cản trở di chuyển.

Người dân chỉ tham gia vào đoạn BOT vài trăm mét vẫn phải đóng vài chục nghìn đồng để có thể xuống phà di chuyển, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé cho hay.

Bà Bé đặt nghi vấn: Liệu có lợi ích nhóm hay không, đồng thời đề nghị Chính phủ cần giải quyết điểm nghẽn hạ tầng giao thông, để khu vực ĐBSCL kết nối với hạ tầng giao thông cả nước.

Cũng quan tâm tới phát triển ĐBSCL, đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) nêu ý kiến: Để tạo điều kiện cho khu vực này phát triển, Chính phủ cần thành lập quỹ phát triển đồng bằng sông Cửu Long./.