Trong những ngày qua, nhiều bà con người dân tộc K' Ho vùng cao tỉnh Bình Thuận “đắng lòng” khi nhìn những trái bắp đến ngày thu hoạch mà hạt lép xẹp, năng suất rất thấp, thậm chí có hộ mất trắng. Cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao tỉnh Bình Thuận vốn dĩ đã khó, nay càng khó hơn khi rẫy bắp là nguồn thu nhập chính đã bị thất thu.

Cách đây hơn một tháng, ông B’Đam Minh ở thôn 3, xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận còn hớn hở khi nhìn thấy gần 3 ha bắp của nhà mình phát triển tốt và trông chờ sẽ có một mùa bắp bội thu. Song đến ngày thu hoạch, dù diện tích trồng bắp đều cho trái, nhưng lại ít hạt, thậm chí có trái không có hạt nào.

vov_bap_1_qtrv.jpg
Một điểm tuốt bắp lấy hạt của bà con xã Đông Giang

“Tôi nghĩ là do mưa nhiều quá nên cây không chịu nổi, còn kỹ thuật trồng đều như nhau. Tại vì giống PAC 999 trên bao bì ghi giống chịu hạn mà năm nay do mưa nhiều nên lúc trổ cờ phun râu thì cây bị bệnh, nên thất thu nhiều. Như hộ tôi mấy năm trước được mười mấy tấn, còn năm nay giảm gần 60-70% còn có 5-6 tấn”, ông B’Đam Minh cho hay.

Cũng không khá hơn gia đình ông B’Đam Minh ở thôn 3, gia đình bà K’Thị Đa (ở thôn 6, xã Đông Giang) năm nay cũng có một mùa bắp “lạt”. Bà Đa cho biết, vụ bắp năm nay, Trung tâm dịch vụ miền núi tỉnh đầu tư giống, phân bón, tiền vật tư. Hầu hết các hộ trong làng đều trồng. Năm nay, năng suất không cao, các trái bắp bị hỏng hết không có hạt, bà Đa chỉ đi mót được một ít đem về.

“Ở nhà trồng 2 ha, đầu tư ứng trước phân, giống cũng hơn 40 triệu đồng. Bắp giờ này thối hết rồi. Do mưa quá hay do giống bắp cũng không biết nữa. Giống ở nhà trồng là giống PAC 999. Nhà cũng thu hoạch rồi, trái thối hết, không có hạt”, bà Đa nói.

Không chỉ riêng nhà bà Đa, ông Minh, hàng trăm ha rẫy trồng bắp của những hộ dân khác trong xã Đồng Giang cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Điểm thu mua nông sản tại xã Đông Giang luôn trong tình trạng đóng cửa do không có hàng

Theo ông K’Văn Vền, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận, địa phương đang tiến hành rà soát, thống kê thiệt hại trong mùa vụ này. Đến nay, đã có 51 hộ với diện tích trồng 67,6 ha bị thiệt hại, đa số là giống PAC 999. Còn Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Bảo vệ thực vật huyện Hàm Thuận Bắc qua kiểm tra, đánh giá tình hình đã có kết luận là do giống bắp PAC 999 mẫn cảm với thời tiết.

“Sau khi làm làm việc cũng như tìm hiểu thêm tâm tư nguyện vọng của bà con thì một số hộ cũng rất khó khăn trong việc chi trả tiền đầu tư ứng trước. Năm nay, thiệt hại từ 70-80%. Như năm ngoái thu hoạch được 12 tấn nhưng năm nay còn 4 tấn. Về gốc độ của xã cũng đã có kiến nghị với UBND huyện, UBND tỉnh có hướng hỗ trợ một phần nào đó cho bà con”, ông K’ Văn Vền cho biết.

Số bắp mót được đang chờ xe trung chuyển

Theo Trung tâm Dịch vụ miền núi tỉnh Bình Thuận – đơn vị đầu tư ứng trước phân, giống, vật tư sản xuất và thu mua nông sản cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao trên địa bàn tỉnh, năm 2018 đơn vị đầu tư ứng trước 2.000 ha bắp lai và dự kiến thu mua 7.000 tấn bắp lai thương phẩm. Tuy nhiên, do bị thiệt hại, nên đến nay Trung tâm chỉ thu mua được hơn 4.000 tấn bắp với giá giao động từ 3.300 đến 3.600 đồng/kg.

“Năm nay thời tiết diễn biến phức tạp không chỉ riêng gì ở Hàm Thuận Bắc, mà ở Hàm Thuận Nam, Bắc Bình cũng bị thiệt hại. Trước mắt, hỗ trợ cho bà con bằng cách chở đi tiêu thụ, bán được bao nhiêu thì trả tiền cho bà con bấy nhiêu. Còn về sau này, nếu hộ nào thu hoạch không đủ trả nợ thì phía trung tâm cũng kiến nghị là đề nghị cho khoanh nợ. Năm sau, đầu tư tiếp cho bà con để có vốn trả nợ cho nhà nước”, ông Nguyễn Văn Chi, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ miền núi tỉnh Bình Thuận nói.

Đối với bà con dân tộc thiểu số vùng cao tỉnh Bình Thuận, bắp lai là cây trồng mang lại nguồn thu nhập chính. Thất thu mùa bắp cũng đồng nghĩa với việc bà con đang phải đối mặt với cái đói giáp hạt. Dẫu biết rằng nắng mưa thất thường sẽ ảnh hưởng nhiều đến việc sản xuất của bà con, tuy nhiên chất lượng hạt giống cũng phải được xem lại. Có như thế mới mong giảm thiểu những rủi ro, giúp bà con yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống./.