Cuộc đối thoại sẽ được Bộ Công thương tổ chức vào ngày 6/7 nhằm cung cấp thông tin và hướng dẫn doanh nghiệp trong việc xâm nhập và phát triển tại thị trường Ấn Độ.

Đây là cơ hội để doanh nghiệp thẳng thắn trao đổi với đại diện thương mại của Việt Nam ở nước ngoài và các cơ quan quản lý nhà nước về các khó khăn của mình và cũng là cơ hội để nắm bắt thông tin thị trường mới nhất, nhanh nhất cho doanh nghiệp.

Ấn Độ là một quốc gia rộng lớn, đa tôn giáo đa sắc tộc, dân số đông thứ hai trên thế giới, nhu cầu tiêu dùng rất phong phú đa dạng, được coi là thị trường rất tiềm năng đối với nhiều nhà xuất khẩu. 

Việt Nam và Ấn Độ chính thức thiết lập quan hệ từ năm 1972, đến nay hai nước đã nhất trí chính thức thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược nhằm tăng cường phát triển sâu rộng cả về kinh tế chính trị.

Về quan hệ thương mại, kim ngạch buôn bán hai chiều giữa hai nước trong thời gian qua đã có sự biến chuyển mạnh mẽ, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương năm 2009 đạt trên 2,051 tỷ USD, năm 2010 đạt 2,738 tỷ USD. Chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2011, trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam - Ấn Độ đã  đạt trên 1 tỷ USD, tăng 47,9% so với cùng kỳ năm 2010.

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ tăng đều qua các năm, năm 2010 đạt 992 triệu USD, tăng 58% so với 2009. Riêng Quí I/2011 đạt 292 triệu USD, tăng 88,3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên hàng năm nhập siêu từ Ấn Độ của Việt Nam là khá lớn, trong khi đó cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam và Ấn Độ là tương đối giống nhau. Một số mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như chè, cà phê, dệt may, da giày… cũng là mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Ấn Độ. Vậy tìm ra những cơ hội phát triển cho doanh nghiệp cả hai nước, giảm thiểu những rủi ro trong cạnh tranh là điều hết sức quan trọng.

Bên cạnh đó, từ nhiều năm nay, kinh tế Ấn Độ phát triển vượt bậc, là một trong những nơi sản xuất phần mềm lớn nhất thế giới, đời sống và thu nhập của người dân tăng cao, đi kèm đó là sự gia tăng về nhu cầu tiêu dùng. Nhưng là quốc gia đa tôn giáo, đa sắc tộc, thói quen tiêu dùng và tập quán sinh hoạt của người dân cũng hết sức đa dạng. Xâm nhập vào thị trường Ấn Độ là một thách thức không nhỏ đối với nhiều doanh nghiệp./.