Cùng với dệt may, da giày là ngành sử dụng rất nhiều lao động, theo số liệu thống kê của Hiệp hội Da giày Việt Nam, hiện có hơn 700.000 lao động làm việc trong ngành da giày, số lao động này chủ yếu là lao động phổ thông, lao động chưa qua đào tạo bài bản. Với đặc điểm là ngành hàng xuất khẩu sản phẩm là chủ lực, ngành da giày đã không chỉ góp phần đảm bảo an sinh xã hội mà còn là một trong những điểm sáng về xuất khẩu sản phẩm mang lại lượng ngoại tệ đáng kể về cho đất nước.
 
Trong 6 tháng đầu năm 2012 ngành da giày đã đạt 3,8 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, tăng 25% so với cùng kỳ. Theo khẳng định ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội da giày Việt Nam (Lefaso) thì mục tiêu đạt 7-7,3 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu của ngành trong năm 2012 là hoàn toàn khả quan.
 
Bên cạnh đó, giá trị thặng dư của ngành từ đầu năm tới nay cũng đã có sự tăng trưởng đáng kể, nếu như năm 2011 giá trị thặng dư của ngành đạt mức 38-40% thì 6 tháng đầu năm 2012 đã tăng lên 40-45%, cá biệt có những DN đạt tới 50%, điều này chứng tỏ chiến lược gia tăng giá trị cho sản phẩm của ngành đang đi đúng hướng và đã cho “quả ngọt”.
 
Tuy nhiên, tại Hội nghị Sơ kết tình hình hoạt động 6 tháng đầu năm của Bộ Công Thương ông Thuấn cũng cho biết: Ngành da giày hiện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, tình trạng đơn hàng xuất khẩu giảm 25-30% đang diễn ra ở hầu hết các DN, hiện chỉ có một số ít DN ký được đơn hàng đến hết năm và hoạt động ổn định…
 
Đặc biệt, sự biến động về nguồn lao động những năm gần đây cũng là một trong những yếu tố gây trở ngại lớn cho các DN trong ngành. Cùng với đó, trong 3 năm gần đây lương tối thiểu của lao động ngành da giày đã tăng trên 100%, hiện nay đang dao động từ 3,8 - 5,5 triệu đồng/người/tháng tùy theo từng vùng miền. Tuy nhiên, chất lượng lao động mới là vấn đề đáng quan tâm khi hầu hết lao động của ngành là lao động phổ thông, với những lao động đã qua đào tạo khi vào làm việc DN cũng phải đào tạo lại. Vì vậy, mặc dù giá nhân công tăng nhưng năng suất lao động của ngành không tăng. Hơn nữa, ngành thực sự đang thiếu lao động chất lượng cao như: nhân viên thiết kế, quản trị viên, nhân viên kinh doanh…
 
Nguồn lao động vốn là một trong những lợi thế lớn của ngành da giày Việt Nam và là điểm hấp dẫn các nhà đầu tư nhưng với tình trạng như hiện nay có thể thấy ngành da giày đang mất dần lợi thế. Thêm vào đó, theo cảnh báo của các nhà nghiên cứu, đến năm 2030 nguồn nhân lực giá rẻ sẽ không còn là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam nữa. Vì vậy ngay từ bây giờ ngành da giày cũng như những ngành thâm dụng lao động khác cần có kế hoạch phù hợp để không làm mất đi lợi thế rất giá trị này.
 
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng cho rằng: Lợi thế về nguồn nhân lực giá rẻ của chúng ta không thể kéo dài mãi do đó không chỉ riêng ngành da giày mà các ngành hàng khác cũng cần có bước chuẩn bị cụ thể để vừa tận dụng vừa chuyển hóa lợi thế này (chuyển hóa từ số lượng sang chất lượng). Bộ trưởng cũng đề nghị ngành da giày phối hợp với ngành dệt may là hai ngành lấy yếu tố lao động làm lợi thế cạnh tranh tổ chức nghiên cứu, thảo luận để tìm ra phương hướng khai thác và duy trì lợi thế này như thế nào cho hiệu quả. Bộ Công Thương cũng sẽ là đầu mối kêu gọi sự tham gia hỗ trợ của các Bộ, ngành liên quan nhằm hỗ trợ cho ngành dệt may, da giày tìm lời giải cho vấn đề này…
 
Việc chuyển hóa lợi thế về nguồn lao động là việc phải làm nhưng tình trạng nguồn lao động đã qua đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu của DN cũng là vấn đề cần khắc phục ngay. Theo đánh giá của một số chuyên gia nước ngoài thì người Việt Nam có thể học hỏi và nắm bắt rất nhanh. Vì vậy, hơn lúc hết chúng ta cần phát huy để chuyển từ lợi thế lao động giá rẻ sang lợi thế lao động chất lượng cao. Chúng ta nên xã hội hóa mạnh mẽ hơn nữa công tác đào tạo nghề để DN, các Hiệp hội ngành hàng được tham dự vào công tác đào tạo nhằm đưa nội dung đào tạo sát hơn với thực tế và người lao động sau đào tạo có thể đáp ứng yêu cầu của DN./.