79 thương hiệu, sản phẩm đạt Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2016 là kết quả bình chọn được Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam công bố sáng nay (10/7) tại Hà Nội. 

Đây là năm thứ 2 giải thưởng “Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam” được triển khai nhằm khuyến khích, cổ vũ và động viên các tập thể, cá nhân hỗ trợ nông dân trong việc nâng cao năng suất, chất lượng cũng như tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. 

th1_zewv.jpg
Đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Trung ương Hội nông dân Việt Nam trao bằng khen cho cá nhân tiêu biểu.
Sau 4 tháng triển khai, Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cùng Sở NN&PTNT 63 tỉnh, thành phố, các chuyên gia đầu ngành về nông nghiệp, các Hội nghề nghiệp ở địa phương đã lựa chọn 378 trong tổng số 650 sản phẩm nông nghiệp được người tiêu dùng đánh giá cao. Qua đó, lựa chọn ra 79 thương hiệu, sản phẩm nông nghiệp có chất lượng tốt, thương hiệu nổi tiếng để trao danh hiệu “Thương hiệu vàng Nông nghiệp Việt Nam năm 2016”.

Theo ông Trần Mạnh Báo, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần giống Thái Bình – doanh nghiệp nhận danh hiệu lần này chia sẻ, bản thân doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh cũng mong muốn xây dựng thương hiệu đủ mạnh để quảng bá sản phẩm chất lượng cao, tạo ra chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân trong hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

“Thương hiệu Vàng mà doanh nghiệp được nhận lần này là sự ghi nhận của xã hội và nông dân đối với doanh nghiệp, cụ thể là thương hiệu Vàng được trao tặng cho 1 giống lúa mới của công ty. Đây là giống lúa đang được kỳ vọng được xây dựng thương hiệu cho ngành lúa gạo Việt Nam. Việc động viên khích lệ kịp thời này sẽ giúp doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, nghiên cứu trong xây dựng các thương hiệu mạnh góp phần vào phát triển ngành lúa gạo Việt Nam cũng như đem lại lợi ích cho nông dân và người tiêu dùng”, ông Báo chia sẻ.

Ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam nhấn mạnh xây dựng thương hiệu nông sản hướng đến chất lượng, giá trị sử dụng cao, sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

“Xu hướng của thị trường thế giới hiện nay là tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị và thương hiệu của sản phẩm. Đơn cử như 1 chiếc áo sơ mi sản xuất ra mẫu mã gần như giống nhau nhưng khác nhau về thương hiệu lại có giá trị cao hơn gấp nhiều lần. Thương hiệu ở đây không chỉ là tên tuổi của doanh nghiệp mà còn gắn liền với chất lượng của sản phẩm. Vì vậy việc xây dựng thương hiệu là quá trình lâu dài, từ xây dựng, hỗ trợ và phát hiện thương hiệu đó. Qua đó nâng giá trị của sản phẩm làm ra cao hơn so với thời điểm sản phẩm không có thương hiệu”, ông Hùng cho biết./.