Theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, tại cuộc họp đối thoại với các tổ chức dân sự do Tổng vụ Thương mại tổ chức vào ngày 11/6/2013, Uỷ ban châu Âu (EC) đã có những đánh giá tích cực đối với Việt Nam trong đàm phán FTA với EU.

Theo đánh giá của EC, về lâu dài, Việt Nam sẽ có các lợi ích tích cực khi FTA được ký kết và thực hiện. Các tác động tiêu cực của FTA đối với kinh tế, thương mại, môi trường và điều chỉnh cơ cấu sẽ được xử lý thông qua quá trình giảm thuế quan theo giai đoạn hơn là giảm thuế ngay lập tức và toàn bộ đối với tất cả các lĩnh vực.

EC cho hay, các thảo luận về IPR là các thảo luận có nhiều thách thức. Mặc dù Việt Nam đã có khung pháp lý, bao gồm cả các hướng dẫn về chỉ dẫn địa lý (GIs) thì vẫn có những khó khăn nhất định về mặt thực thi. EC cũng đã có những hỗ trợ cụ thể trong khuôn khổ chương trình song phương và đa phương.

Về chương trình phát triển bền vững (TSD) của Hiệp định sẽ bao gồm các cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với các Hiệp định môi trường đa phương (MEAs), bao gồm CITES. EU cũng hợp tác với Việt Nam trong đàm phán hiệp định đối tác tự nguyện FLEGT. Đối với đối xử động vật, EC hướng tới bổ sung điều khoản về hợp tác đối với các vấn đề đối xử động vật trong FTA. Về quy tắc xuất xứ, cả động vật sống và thịt đều sẽ chịu sự điều chỉnh của các quy tắc xuất xứ nhưng hiện nay chưa có các àđm phán cụ thể. Mặc dù trong đàm phán chưa đề cập đến các vấn đề nổi cộm như buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp nhưng vấn đề này có thể sẽ được đưa vào sau này.

EC cũng nhấn mạnh các yếu tố cơ bản của Chương phát triển bền vững là đảm bảo các yêu cầu thiết yếu về lao động nhằm đạt được sự phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và cân bằng xã hội và có yêu cầu tham chiếu đối với các chương trình lao động của ILO.

Yêu cầu về an toàn lao động, hiện nay EC đặc biệt quan tâm đến vấn đề này sau khi xảy ra vụ sập nhà máy may Rana Plaza tại Bangladesh vào tháng 5 vừa qua. Thời gian gần đây, EC thường xuyên tổ chức các phiên điều trần về tình hình quyền của người lao động tại các nước đang phát triển, đặc biệt là tại các nhà máy may ở những nước xuất khẩu dệt may lớn trên thế giới như Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam, Hàn Quốc và Pakistan.

EC nhấn mạnh, về chỉ dẫn địa lý, Việt Nam có 1 sản phẩm là nước mắm Phú Quốc được EU công nhận chỉ dẫn địa lý. Trước đây Việt Nam có phàn nàn về lộ trình đăng ký quá lâu và phức tạp. FTA có thể sẽ là phương tiện giúp việc đăng ký chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm sau này của Việt Nam dễ dàng hơn./.