Năm 2011, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt khoảng 16,8 tỷ USD trong khi kim ngạch nhập khẩu từ EU đạt 6,52 tỷ USD.
EU hiện cũng là một trong những nhà đầu tư lớn nhất tại Việt nam. Chỉ tính riêng trong năm 2011, tổng giá trị đầu tư của EU tại Việt Nam đạt 1,76 tỷ USD, chiếm hơn 12% tổng giá trị vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam trong năm 2011.
Bên lề Diễn đàn đối thoại công chúng với chủ đề hội nhập kinh tế ASEAN- EU diễn ra tại Hà Nội sáng nay (21/9), chuyên gia kinh Phạm Chi Lan đã có cuộc trao đổi với phóng viên VOV về triển vọng hợp tác song phương giữa Việt Nam và EU khi Hiệp định Thương mại tự do (FTA) được ký kết.
** Bà đánh giá thế nào về triển vọng hợp tác song phương giữa Việt Nam và EU nếu Hiệp định Thương mại tự do (FTA) được ký kết ?
- Tôi tin chắc là hiệp định thương mại FTA giữa Việt Nam và EU sẽ mở ra một giai đoạn mới cực kỳ quan trọng cho sự phát triển vượt bậc hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và EU.
Liên minh châu Âu EU với 27 nước luôn luôn là một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam. EU là khối liên minh mở quan hệ rất sớm với Việt Nam, đồng thời cũng là khối lớn đầu tiên mở với Việt Nam Hiệp định khung về quan hệ thương mại giữa hai bên và từ đó quan hệ thương mại giữa Việt Nam và EU ngày càng phát triển.Tôi nghĩ, Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) đã được ký kết giữa Việt Nam và EU sẽ tạo khuôn khổ pháp lý mới, mở rộng quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và EU trong nhiều năm tới. Đặc biệt đây còn là tiền đề quan trọng để hai bên mở rộng khởi động đàm phán FTA.
Tôi tin là đàm phán FTA này không đến nỗi quá vất vả như một số đàm phán khác, bởi lợi ích của hai bên là rất rõ và đồng đều ở nhiều điểm.
Tuy nhiên, cũng như tất cả mọi cuộc đàm phán, có những lợi ích là trái chiều, nhưng theo tôi, nó không quá lớn. Và những bất lợi đó nếu như Việt Nam khắc phục được, sẽ tạo một cơ sở mới cho chúng ta phát triển lên cao hơn và từ đó đưa nền kinh tế lên một giai đoạn thực sự mới, phù hợp với yêu cầu của chúng ta hiện nay về thay đổi mô hình tăng trưởng và kích thích nền kinh tế.
** Bà có thể phân tích rõ hơn những lợi ích, quan hệ bổ trợ lẫn nhau giữa Việt Nam và EU khi tham gia FTA?
- Lợi ích thứ nhất, thị trường EU sẽ mở cửa cho các hàng hoá của Việt Nam. Ước tính có khoảng 90 dòng thuế cho Việt Nam và EU sẽ được giảm xuống ở mức rất thấp, thậm chí là 0% đối với một số hàng quan trọng xuất khẩu sang EU như là dệt may, da giày hay thực phẩm. Đây là những mặt hàng chủ lực của Việt Nam vào EU thực tế đang chịu mức thuế rất cao dù Việt Nam đang được hưởngQuy chếƯu đãithuế quan phổ cập(GSP)
Có thể khẳng định, FTA sẽ giúp khả năng xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng trưởng rất mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, FTA cũng đồng thời mở ra việc nhập khẩu hàng hoá từ EU. Hiện, hàng hoá của EU nhập vào Việt Nam vẫn chịu mức thuế cao ở một số chủng loại theo mặt bằng thuế chung với các nước thành viên của WTO.
Máy móc thiết bị, vật tư, rồi dược phẩm… là những mặt hàng rất lớn mà EU đang xuất sang Việt Nam phải chịu mức thuế cao- những chi phí này người tiêu dùng, người bệnh là đối tượng phải gánh chịu.
Tuy nhiên, khi có FTA, thuế sẽ được giảm xuống, sản phẩm của EU vào Việt Nam cũng thuận lợi hơn. Tôi cho rằng đây là điều kiện rất tốt cho ngành sản xuất của Việt Nam. Việt Nam rất cần vật tư và công nghệ từ châu Âu. Ngoài ra, nó cũng sẽ thúc đẩy dòng đầu tư của các doanh nghiệp liên minh châu Âu vào Việt Nam.
Chúng ta sẽ yên tâm là có nhà đầu tư lớn vào Việt Nam, đàng hoàng mang công nghệ tốt vào Việt Nam chứ không phải như lâu nay chúng ta phải dựa vào những nhà đầu tư trong khu vực, trong đó có không ít nhà đầu tư có trình độ phát triển chưa cao, và họ thường đưa sang Việt Nam công nghệ thấp mà họ phải giải đi.
Đây là lợi ích rất lớn cho nền kinh tế Việt Nam.
** Xuất khẩu từ Việt Nam sang EU đang chịu rất nhiều rào cản thương mại, những rào cản tiêu chuẩn môi trường về vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo bà, khi đàm phán FTA, những rào cản này có giảm xuống không?
- Thực ra tiêu chuẩn của EU áp dụng về môi trường, hay kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm thì áp dụng chung cho tất cả các nước xuất khẩu vào EU. Tôi không nghĩ là trong Hiệp định song phương này chúng ta lại có thể yêu cầu họ giảm hàng rào xuống được, bởi đó là những chuẩn mực trong cuộc sống của họ. Tuy nhiên chúng ta có thể tận dụng những hỗ trợ kỹ thuật của các doanh nghiệp, hoặc các tổ chức của EU để nâng cấp và có thể đạt được các chuẩn đó, và tăng cường xuất khẩu trên phương diện đó./.
Sáng 21/9, tại Hà Nội đã diễn ta Diễn đàn đối thoại công chúng với chủ đề hội nhập kinh tế ASEAN- EU.
Tại diễn đàn, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho rằng: “FTA giữa khu vực và khu vực hay các FTA song phương giữa từng nước ASEAN với EU, trên thực tế, đều nhằm mục tiêu cuối cùng là tăng cường hội nhập kinh tế, mang lại lợi ích thiết thực nhất cho các quốc gia, doanh nghiệp và các bên liên quan”.
Ông Jean- Jacques Bouflet, Tham tán Thương mại, Phái đoàn Liên minh châu Âu khẳng định: “Quan hệ EU- Việt Nam đã và đang trên đà phát triển trong những tháng gần đây. Từ sau khi EU và Việt Nam ký thoả thuận đối tác mới, chúng ta đã chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể trong trao đổi song phương giữa hai bên. Chúng tôi cam kết hướng tới mối quan hệ chẵn chẽ với Việt Nam nói riêng và khu vực ASEAN nói chung”
Diễn đàn cũng đã thảo luận một số vấn đề liên quan đến cải cách quản lý. Cải cách quản lý đóng vai trò quan trọng trong quá trình cải cách cơ cấu kinh tế, nhân tố cần thiết để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế dài hạn đối với Việt nam và ASEAN, cũng như khu vực Đông Nam Á nhằm thu được lợi ích kinh tế toàn diện thông qua trao đổi thương mại và đầu tư với EU.
Tiến sĩ Lê Quốc phương, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (Bộ Công Thương) cho rằng, cải cách quản lý là bước tiếp theo của quá trình chuyển đổi từ một hệ thống kinh tế kế hoạch tập trung sang nền kinh tế mở định hướng thị trường mà Việt nam hiện đang theo đuổi. Bên cạnh những thành tựu đạt được về thể chế và pháp lý, khuôn khổ pháp luật kinh tế của đất nước cũng đã có nhiều thay đổi đáng kể. Ví dụ như trong lĩnh vực thương mại, nhiều cải cách đã được thực hiện nhằm tuân thủ cam kết quốc tế của Việt nam, bao gồm cả việc loại bỏ dần thuế quan và các hàng rào phi thuế quan.
Đồng quan điểm với Tiến sĩ Lê Quốc Phương, Tiến sĩ Đào Ngọc Tiến, Đại học Ngoại thương cũng cho rằng quá trình hội nhập kinh tế quốc tế là động lực để Việt Nam thực hiện cải cách quản lý ở cấp độ quốc gia. Mặc dù những cải cách trong nước đã có những đóng góp rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước, Việt Nam vẫn cần tiếp tục cải thiện năng lực cạnh tranh của mình trên thị trường quốc tế. Do đó, một Hiệp định thương mại song phương với EU sẽ tạo thêm động lực để tiếp tục đổi mới quản lý trong nhà nước.
Đáng chú ý, các diễn giả tại Diễn đàn cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của cách tiếp cận từ dưới lên nhằm thúc đẩy cải cách quản lý tại Việt Nam. Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng sự tham gia của khu vực tư nhân và các bên liên quan khác là rất cần thiết để đảm bảo quá trình cải cách quản lý trong nước. Tiến sĩ cũng khuyến khích khu vực tư nhân của Việt Nam tham gia tích cực hơn vào đàm phán FTA Việt Nam – EU trong thời gian tới./.