Chính phủ vẫn chưa quyết định có chấp thuận đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho phép Vietnam Airlines (VNA) được giữ lại 3.129 tỉ đồng thặng dư dự kiến thu được sau khi bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) hay không, nhưng theo bộ này, đề nghị nhằm giúp VNA có vốn mua thêm tàu bay theo chiến lược đường dài.
Trước đó, VNA đã trình Đề án cổ phần hóa lên Bộ GTVT, trong đó có đề nghị được giữ lại 25% thặng dư vốn bán ra sau cổ phần hóa nhằm giúp VNA có vốn bổ sung mua máy bay.
Phần thặng dư này, theo quy định sẽ nộp 75% về Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp trung ương và 25% để lại doanh nghiệp. Nếu Chính phủ đồng ý, VNA sẽ được giữ lại khoảng 3.129 tỉ đồng, trong trường hợp doanh nghiệp này bán thành công 25% cổ phần với mức giá 22.300 đồng/cổ phiếu.
Trước những ý kiến như vậy, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường trong một trao đổi với báo chí ngày 9/7, đã lý giải vì sao bộ này đệ trình đề xuất của VNA lên Thủ tướng.
Theo ông Trường, thực hiện kế hoạch phát triển đội bay của VNA đến năm 2015, định hướng 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt cách đây 7 năm, VNA đã xây dựng phương án sản xuất kinh doanh sau cổ phần hóa. Theo đó, giai đoạn 2014-2018, tổng giá trị đầu tư mà doanh nghiệp cần là gần 70.000 tỉ đồng; trong đó có 63.297 tỉ để mua máy bay.
Dự kiến VNA sẽ tăng dần vốn điều lệ từ 14.101 tỉ đồng (2014) lên 26.320 tỉ đồng (2018). Nguồn vốn để tăng vốn điều lệ phải đến từ việc phát hành thêm cổ phiếu ra công chúng hoặc cho các cổ đông sau cổ phần hóa, đảm bảo nhà nước nắm 75% vốn và các cổ đông còn lại nắm 25% vốn của VNA. Tỷ lệ vốn nhà nước, nếu bán thành công sẽ giảm dần xuống mức 65% trong tương lai.
Ông Trường nói rằng, sau cổ phần hóa thì VNA vẫn là hãng hàng không quốc gia, nhà nước nắm tỷ lệ chi phối nên việc đề xuất giữ phần thặng dư là thực hiện theo kế hoạch phát triển đội bay đã được phê duyệt từ sớm.
Hơn nữa, trong thị trường hàng không cạnh tranh ngày càng quyết liệt như hiện nay, VNA không còn có thể độc quyền như trước: Thị phần của hãng tại thị trường nội địa đã giảm xuống dưới mức 60% và còn tiếp tục giảm do việc gia tăng cạnh tranh hiện tại và sự xuất hiện của các hãng mới trong tương lai. Tại thị trường quốc tế, thị phần của Vietnam Airlines còn nhỏ hơn và bị cạnh tranh quyết liệt hơn nữa.
Theo phương án sản xuất kinh doanh của VNA, dự kiến đến năm 2018, VNA đạt thị phần vận chuyển hành khách 44,8% (trong đó, thị phần vận chuyển khách quốc tế đạt 39,9%, thị phần vận chuyển khách nội địa đạt 49,9%).
Ông Trường của Bộ GTVT cho rằng, để hoàn thành được cổ phần hóa hàng chục doanh nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp quy mô lớn trong năm 2013 và 2014, Bộ GTVT đã cùng doanh nghiệp và các bộ đề xuất, tháo gỡ nhiều cơ chế chính sách để đẩy nhanh quá trình, thay đổi mô hình quản trị doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ sửa lại các quy định để phù hợp với tình hình.
Năm 2014, Bộ GTVT phải cổ phần hóa xong 44 doanh nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn như Vietnam Airlines./.