Sau vụ việc khách hàng mất tiền trong tài khoản mở tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), nhiều ngân hàng đang tăng cường giải pháp bảo mật thông tin cho khách hàng, nhằm đảm bảo an toàn cho khách hàng sử dụng dịch vụ.

Hiện nay, các ngân hàng đã và đang đồng loạt gửi các tin nhắn, email cảnh báo người dùng không cung cấp thông tin thẻ qua điện thoại, email, mạng xã hội hay những đường link lạ để tránh nguy cơ mất tiền…

bm1_pqtf.jpg
Người dùng thẻ và các dịch vụ ngân hàng điện tử cần tuân thủ các quy định, hướng dẫn của ngân hàng cung cấp dịch vụ.
Cụ thể, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), đưa ra khuyến nghị khi nhận số điện thoại lạ, khách hàng cần bình tĩnh xem xét tình hình, tuyệt đối không chuyển tiền vào tài khoản của người lạ.

Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB) nêu 4 bước để khách hàng bảo vệ an toàn thẻ. Đồng thời, đưa ra khuyến cáo không nên thực hiện giao dịch thẻ trên các thiết bị kết nối Internet công cộng và khoá tính năng thanh toán trực tuyến của thẻ nếu không có nhu cầu sử dụng.

Ngân hàng Techcombank cũng gọi điện thông tin cho các khách hàng lưu ý về rủi ro khi thanh toán thẻ tín dụng, đồng thời đề nghị khách hàng đến các chi nhánh, sở giao dịch để đổi thẻ mới.

Ông Đào Minh Tuấn,  Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam cho biết, Ngân hàng Vietcombank đã khuyến cáo với khách hàng tự bảo vệ thông tin cá nhân của mình bằng việc các máy tính truy cập, các thiết bị smartphone phải đảm bảo dù sử dụng có bản quyền không download mã độc.

“Các thiết bị phải chính thống, không cài đặt các mã độc, không truy cập vào các trang không chính thống dễ bị lộ do các trang web không đảm bảo an toàn, khi nhận được thông tin từ ngân hàng thì khách hàng hãy cảnh giác trước khi truy cập vào các đường link, tốt nhất là liên hệ với ngân hàng để kiểm chứng lại”, ông Tuấn cho biết.

Theo Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50 - Bộ Công an), những năm gần đây, tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm chiếm đoạt tài sản. Trong đó, tình trạng khách hàng bị mất thông tin về tài khoản và bị các đối tượng sử dụng nhằm chiếm đoạt tài sản xuất hiện nhiều hơn.

Ông Triệu Mạnh Tùng, Phó trưởng phòng 3, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao C50 cho biết, những năm vừa qua, C50 liên tục phối hợp với các đơn vị công an địa phương xử lý các nhóm đối tượng tượng này với những thủ đoạn qua facebook nhờ mua thẻ cào điện thoại; nhờ chuyển tiền vào tài khoản, giả mạo báo mất thông tin về tài khoản…Nhiều người đã tin vào những thủ đoạn này và chuyển hàng chục triệu đồng cho các đối tượng lừa đảo.

“Khách hàng bị mất thông tin về tài khoản, sau đó bị các đối tượng sử dụng vào mục đích liên quan đến hoạt động chiếm đoạt tài sản rất nhiều. Có nhiều trường hợp các đối tượng lừa đảo trực tiếp gọi điện cho chủ tài khoản bằng cách lừa giới thiệu là nhân viên của ngân hàng và đề nghị cung cấp mã OTP. Những người chủ quan, không đề phòng đã đọc cho đối tượng mã OTP đó, dẫn đến việc bị kích hoạt và bị chiếm đoạt tài sản”, ông Tùng dẫn chứng.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra khuyến nghị người dùng thẻ và các dịch vụ ngân hàng điện tử, ví điện tử  khi sử dụng các dịch vụ ngân hàng trực tuyến cần tuân thủ các quy định, hướng dẫn của ngân hàng cung cấp dịch vụ.

Khách hàng cần bảo mật thông tin về tên/mật khẩu đăng nhập các dịch vụ ngân hàng điện tử, mã xác thực giao dịch OTP. Không cung cấp các thông tin trên cho bất kỳ đối tượng nào (kể cả nhân viên ngân hàng) qua điện thoại, email, mạng xã hội…Từ đó, nhằm đảm bảo an toàn cho người dùng thẻ và các dịch vụ ngân hàng điện tử./.