Theo báo cáo năm 2015 của Hiệp hội Nhượng quyền quốc tế, tổng giá trị nhượng quyền trên thế giới năm 2014 là 3.800 tỉ USD, riêng nước Mỹ chiếm 2.400 tỉ USD, châu Á chỉ chiếm 600 tỉ USD nhưng tương lai đang thuộc về châu lục này.
Các nước châu Á đang đầu tư mạnh để đưa thương hiệu của họ ra bên ngoài bán nhượng quyền, như chính phủ Malaysia có chương trình 2 tỉ USD để hỗ trợ các doanh nghiệp đưa thương hiệu ra nước ngoài.Nhượng quyền thương hiệu vẫn chưa phát triển tại Việt Nam. |
Theo bà Nguyễn Phi Vân, tất cả các món ăn thuần Việt, sử dụng nguồn nguyên liệu địa phương của Việt Nam đều rất có tiềm năng trong ngành nhượng quyền về ẩm thực. Tuy nhiên, sản phẩm cần mang tính độc đáo, tạo ra sự khác biệt rõ ràng. Một số sẽ có tiềm năng vươn xa như bánh mì, các món cuốn, xôi, bún... Nhưng một số chỉ có thể dừng lại tại thị trường Việt Nam hoặc khu vực do vấn đề về khẩu vị.
Bên cạnh đó, việc xây dựng thành mô hình kinh doanh khả thi về doanh số, lợi nhuận, hoàn vốn đầu tư lại là việc hoàn toàn khác. Không có mô hình thích hợp sẽ rất khó phát triển nhanh và mạnh. Sau khi có mô hình, hệ thống quản trị và điều hành là bước tiếp theo cần xây dựng.
Tất cả những điều trên không thể thực hiện một cách tự thân vận động, biết gì làm đó, ai làm sao tôi làm vậy, hay làm đến đâu sửa đến đó. Mô hình kinh doanh nhượng quyền yêu cầu doanh nghiệp phải đầu tư xây dựng nền tảng, xây dựng kế hoạch và chuẩn bị nguồn lực hỗ trợ trước khi nhượng quyền.
Với tốc độ hội nhập như hiện nay, sự tiến triển nhanh chóng của các hiệp định thương mại song phương, đa phương, doanh nghiệp Việt không còn lựa chọn nào khác ngoài con đường nâng tầm hoạt động, xây dựng nền tảng vững chắc và chuẩn bị nguồn lực chuyển sang một giai đoạn hoạt động mới chuyên nghiệp hơn, theo quy trình, hệ thống chuẩn mực hơn, với chiến lược và bản đồ phát triển rõ ràng hơn, phát triển không chỉ tại thị trường nội địa mà còn có thể cạnh tranh vươn lên cùng những thương hiệu trong khu vực.
“Cơ hội đang có, doanh nghiệp Việt phải chớp lấy, bắt tay vào làm ngay. Nếu Việt Nam không có mô hình và thương hiệu chuỗi ẩm thực chuyên nghiệp thì sẽ thua trắng”, bà Vân nhấn mạnh./.
Để tận dụng, khai thác thật tốt tiềm năng vốn có, DN Việt trước hết cần hiểu và xác định đối tượng tiêu dùng mục tiêu của mình là ai, rồi tìm hiểu nhu cầu hiện có và nhu cầu tương lai của họ để thực hiện việc định vị thương hiệu, xây dựng sản phẩm, mô hình thích hợp.
Thế hệ Z (những người sinh từ năm 1995 trở về sau) có thể là đối tượng tiêu dùng mục tiêu chính đối với một số mô hình nhưng có thể chỉ là đối tượng phụ giúp tăng doanh thu ăn vặt vào những giờ thấp điểm. Việc xác định đối tượng tiêu dùng mục tiêu phải đi trước.
Tiếp đến, cần quen với cách làm mới và tâm thế kinh doanh mới là hợp tác với cá nhân, tổ chức có thể đóng góp vào việc xây dựng thương hiệu và mô hình chuyên nghiệp, nghĩa là tìm các nhà đồng sáng lập để cùng xây dựng và vươn xa. Cách làm một mình, làm đến đâu sửa đến đó sẽ không thành công./.
Bà Nguyễn Phi Vân -Chuyên gia về phát triển thương hiệu