Hoạt động mua bán sáp nhập doanh nghiệp (M&A) trong lĩnh vực phân phối bán lẻ những năm qua phát triển nhanh chóng cả về số lượng và qui mô. Thực tế gần đây, các tập đoàn lớn ở châu Á đang nhanh chóng tiếp cận thị trường Việt Nam với hàng loạt chuỗi cửa hàng bán lẻ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc. Đây thực sự là mối lo ngại lớn cho ngành bán lẻ của Việt Nam.

bl22_jtmp.jpg
Doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đa phần vào vai đối tượng bị thâu tóm. (Ảnh minh họa: KT)
Theo Thạc sỹ Đặng Chương Linh, Viện Nghiên cứu Thương mại, ngành bán lẻ Việt Nam sẽ đối mặt với cả cơ hội và thách thức từ việc hội nhập. Hội nhập sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam học hỏi kinh nghiệm về quản lý, về sử dụng vốn và lao động cũng như có cơ hội hợp tác phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh. Nhưng hội nhập cũng sẽ đòi hỏi các doanh nghiệp phải trực tiếp cạnh tranh gay gắt và đối mặt với nguy cơ bị thâu tóm bởi các doanh nghiệp ngoại.

“Trong hầu hết các vụ M&A trong lĩnh vực bán lẻ diễn ra thời gian qua, doanh nghiệp Việt Nam chỉ đóng vai người đi thâu tóm ở những thương vụ nhỏ, còn lại đa phần vào vai người bị thâu tóm. Trong khi các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc nổi lên với hàng loạt thương vụ M&A trong lĩnh vực bán lẻ thời gian qua như việc mua lại Fivimart hay Diamond Plaza, Nguyễn Kim, Trần Anh…”, Thạc sỹ Đặng Chương Linh chỉ rõ.

Thạc sỹ Đặng Chương Linh nhận định: Các doanh nghiệp nước ngoài có tiềm lực rất mạnh trên mọi phương diện, như vốn, kinh nghiệm thương trường, nhân sự và công nghệ quản lý. Ngoài ra, các doanh nghiệp này còn được sự hỗ trợ rất lớn từ Chính phủ trong các chương trình, chiến lược tổng thể phát triển mạng lưới phân phối với hệ thống khép kín toàn diện từ sản xuất đến tiêu dùng, sản phẩm của họ chính là các loại hàng hóa chất lượng tốt, giá thành rẻ, giá bán rẻ và dịch vụ cung ứng hoàn hảo.

Trong khi các doanh nghiệp trong nước lại thiếu kinh nghiệm, công nghệ quản lý yếu kém, thiếu hụt chuỗi kinh doanh và áp lực về nhân sự chất lượng cao, hơn nữa mạng lưới phân phối chưa đủ mạnh và không khép kín từ sản suất đến tiêu dùng, thiếu chiến lược đầy đủ lại chưa có nhiều sản phẩm, hàng hóa có chất lượng cao, giá thành rẻ để có thể cạnh tranh với hàng hóa ngoại nhập.

“Với thực tế thị trường hiện nay, có thể nhận thấy các hành vi tương tác giữa các doanh nghiệp bán lẻ trong nước, giữa các doanh nghiệp phân phối nước ngoài với các doanh nghiệp phân phối bán lẻ trong nước sẽ càng trở nên hiện hữu, cụ thể ở đây chính là hoạt động mua lại, sáp nhập các doanh nghiệp bán lẻ trên thị trường nội địa”, Thạc sỹ Đặng Chương Linh khẳng định.

Do đó, theo Thạc sỹ Đặng Chương Linh, thời gian tới thị trường Việt Nam một mặt cần thúc đẩy những tác động tích cực mà M&A mạng lại cho nền kinh tế, mặt khác hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực đến hàng hóa trong nước và thị trường bán lẻ nội địa, đảm bảo một môi trường kinh doanh bán lẻ cạnh tranh lành mạnh.

Chính vì thế, Nhà nước cần phải có những bước đi đúng hướng và hợp lý cũng như các biện pháp quản lý hoạt động M&A trong lĩnh vực bán lẻ một cách hiệu quả. Phía các doanh nghiệp bán lẻ trong nước cần khẩn trương nâng cao chất lượng cung ứng, hạ giá bán hàng hóa, muốn vậy phải tìm cách liên kết với các nhà sản xuất, chế biến, hoặc cũng có thể đầu tư sản xuất sản phẩm, hàng hóa cho hệ thống cung ứng của mình, mặt khác liên tục nâng cao chất lượng dịch vụ bán hàng và sau bán hàng.

Nhượng quyền thương mại sẽ mang lại cơ hội lớn

Đánh giá về thực trạng nhượng quyền thương mại ở các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam, ông Ngô Quốc Bảo, Giám đốc phát triển kinh doanh Công ty CP Bán lẻ KTS FPT cho biết, thị trường bán lẻ của Việt Nam cạnh tranh khốc liệt với sự đầu tư mở rộng ồ ạt của các hệ thống siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài.

Trong khi đó, nhượng quyền trong ngành bán lẻ chủ yết tập trung trên các kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện dụng. Tuy nhiên số lượng các doanh nghiệp nhượng quyền bán lẻ còn tương đối hạn chế so với tiềm năng phát triển của thị trường nhượng quyền thương mại Việt Nam nói chung.

“Nhượng quyền thương mại được đánh giá là một thị trường đầy tiềm năng mang lại cơ hội, đầu tư kinh doanh lớn không chỉ cho các chủ đầu tư mà còn là phương cách giúp mở rộng, phát triển thị trường nội địa cạnh tranh lành mạnh. Tuy nhiên tại thị trường bán lẻ Việt Nam hiện nay, hoạt động còn manh mún, chưa có phương thức, đường lối phát triển cụ thể, việc hiểu đúng và áp dụng mô hình như thế nào hiện vẫn còn là thử thách”, ông Bảo cho hay.

Theo ông Bảo, trong bối cảnh hội nhập và không ngừng chuyển biến hiện nay, nhượng quyền thương mại sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa tập trung nguồn lực để nâng cao sức cạnh tranh và làm tiền đề để xâm nhập thị trường quốc tế.

Ngoài ra, khi nhận chuyển nhượng từ các doanh nghiệp nước ngoài còn là điều kiện tốt để các doanh nghiệp Việt Nam được chuyển giao những thương hiệu có uy tín, và quan trọng là tiếp cận học hỏi cách thức kinh doanh và phương thức quản lý tiên tiến của thế giới.

Theo nhận định của các chuyên gia phân tích thị trường, các doanh nghiệp trong nước cần định hướng chuỗi bán lẻ bằng việc tìm kiếm những nhà đầu tư mới để gia tăng nguồn vốn, có cơ hội tiếp cận luồng tư duy và công nghệ mới, từ đó mở rộng thị phần, tạo điều kiện thuận lợi để khách hàng có thể dễ dàng được tiếp cận và trải nghiệm những sản phẩm tốt nhất thông qua hệ thống chuỗi các cửa hàng.

Cùng với đó, các doanh nghiệp bán lẻ cũng cần có cam kết chất lượng sản phẩm và dịch vụ khách hàng, có trách nhiệm là những yếu tố góp phần giúp doanh nghiệp khai thác nhượng quyền thương hiệu một cách hiệu quả./.