97 doanh nghiệp của Việt Nam có sản phẩm đạt thương hiệu Quốc gia vừa được Hội đồng Thương hiệu Quốc gia và Bộ Công Thương tôn vinh. Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập toàn cầu, các doanh nghiệp thương hiệu Quốc gia vẫn tăng trưởng và phát triển vững mạnh, góp phần quảng bá hình ảnh của hàng Việt Nam ở thị trường nội địa, cũng như thị trường xuất khẩu.

thuong_hieu_quoc_gia_zezi.jpg
Các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia 2018. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Hiện doanh nghiệp đã từng bước ứng dụng công nghệ cao 4.0 và khoa học quản trị để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm phù hợp với mục tiêu của chương trình, là hướng tới xây dựng hình ảnh Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hàng hóa dịch vụ và đa dạng, phong phú với chất lượng cao, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm Việt Nam trên thị trường Việt Nam và quốc tế trong quá trình hội nhập và xây dựng hình ảnh Việt Nam gắn với các giá trị “Chất lượng - Đổi mới sáng tạo - Năng lực tiên phong”.

Theo công bố của Brand Finance- công ty định giá thương hiệu hàng đầu thế giới, trong bảng xếp hạng 100 thương hiệu Quốc gia giá trị nhất trên thế giới năm 2018, thương hiệu Quốc gia Việt Nam được định giá 235 tỷ USD, thuộc nhóm thương hiệu mạnh, vị trí của Thương hiệu Quốc gia Việt Nam được cải thiện trên Bảng xếp hạng, lên thứ 43, nhờ sự thúc đẩy hỗ trợ phát triển kinh tế của Chính phủ có phần đóng góp không nhỏ của Chương trình Thương hiệu Quốc gia và các doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu Quốc gia. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần có chiến lược lâu dài để phát triển thương hiệu Quốc gia một cách bền vững.

Tại buổi lễ, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, “Tôi đề nghị và mong muốn rằng các doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia sẽ tiếp tục theo đuổi các giá trị của chương trình đó là chất lượng, đổi mới sáng tạo và năng lực tiên phong, xứng đáng với Thương hiệu quốc gia được trao tặng, đồng thời xứng đáng với niềm tin tưởng, yêu mến của người tiêu dùng đối với sản phẩm, dịch vụ mang thương hiệu Việt Nam. Hội đồng Thương hiệu Quốc gia, Bộ Công Thương cần tiếp thu đầy đủ các đề xuất, các kiến nghị của các doanh nghiệp, tích cực phối hợp với nhau, tạo điều kiện thuận lợi về chính sách và nguồn lực để hỗ trợ Doanh nghiệp nói chung, các Doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia nói riêng tham gia tích cực hơn nữa trong tiến trình xây dựng, quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam”.

Các doanh nghiệp đạt thương hiệu Quốc gia trong mọi điều kiện đều giữ vững đà tăng trưởng, giữ vững thị trường nội địa và phát triển thị trường xuất khẩu, đóng góp tích cực vào nền kinh tế quốc dân.

Theo số liệu báo cáo tăng trưởng năm 2017 của các doanh nghiệp thương hiệu Quốc gia tăng 13,14% so với năm 2016. Trong đó giá trị xuất khẩu năm 2017 đạt hơn 60.000 tỷ đồng, tăng 15,94%, đóng góp cho ngân sách Nhà nước trên 56.000 tỷ đồng. Tổng doanh thu năm 2017 của các doanh nghiệp này đạt trên 924.000 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt gần 5,7 tỷ đô la, đóng góp cho ngân sách nhà nước hơn 63.000 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hơn nửa triệu lao động. Công tác xã hội và từ thiện cũng được tích cực thực hiện, đóng góp hơn 2 nghìn tỷ đồng trong năm 2017.

Ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, “Hàng không quốc gia Việt Nam được đưa vào danh sách thương hiệu quốc gia thì chúng tôi càng phải có trách nhiệm không chỉ của doanh nghiệp hàng không mà phải cùng các doanh nghiệp khác của Việt Nam, ngành du lịch đưa tên tuổi, vị thế của đất nước mình, của ngành dịch vụ du lịch được ưa chuộng và xây dựng được uy tín. Với danh hiệu đó chúng tôi cũng ý thức được trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với cộng đồng, đối với người tiêu dùng trong sự nghiệp phát triển chung”.

Trong bối cảnh hiện nay có thể Việt Nam hội nhập rất sâu rộng vào nền kinh tế của thế giới và bên cạnh cơ hội, những Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết cũng như đang đàm phán với các đối tác quốc tế thì cũng có nhiều thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam. Chính vì vậy chương trình Thương hiệu Quốc gia có nhiều ý nghĩa và có tác dụng thiết thực, giúp cho các doanh nghiệp nâng cao được sức cạnh tranh của mình ở ngay tại thị trường nội địa cũng như ở các thị trường đang có thế mạnh về xuất khẩu.

Phát triển thương hiệu bền vững, để tạo thế vững chắc cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu là đích đến của các doanh nghiệp được gắn Thương hiệu Quốc gia.

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco) cam kết, “Thương hiệu quốc gia có những tiêu chí của nó mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng phải đáp ứng và nỗ lực trong sản xuất kinh doanh, thì phải hướng tới cạnh tranh được với các thương hiệu khác trong khu vực và quốc tế. Thaco quan niệm là thương hiệu của quốc gia thì chúng tôi có trách nhiệm phát triển nó bền vững và không giới hạn trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế”.

Nhân dịp Lễ công bố các doanh nghiệp có sản phẩm Thương hiệu quốc gia lần thứ 6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thư chúc mừng tới toàn thể doanh nghiệp và biểu dương các doanh nghiệp đạt thương hiệu Quốc gia, lực lượng tiên phong trong phát triển sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu. Thủ tướng đã động viên, nhắn nhủ tới cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam cần chủ động nắm bắt xu hướng phát triển trong từng ngành và lĩnh vực góp phần củng cố vị thế của Việt Nam trên thị trường quốc tế./.