Các câu hỏi được đặt ra xoay quanh nội dung này đều được các chuyên gia dinh dưỡng giải đáp thỏa đáng.
Cơ sở của việc bổ sung đa vi chất vào sữa học đường?
Về vấn đề này, ThS. BS Trần Khánh Vân, Phó trưởng Khoa Vi chất dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, nghiên cứu tại Việt Nam và trên thế giới cho thấy tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng đã ảnh hưởng tới suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em.
BS. Trần Khánh Vân nhấn mạnh, có khoảng 40 vi chất dinh dưỡng cơ thể không tự tổng hợp được mà phải lấy từ thức ăn, trong đó có 21 vi chất mà trẻ em nước ta cũng như trẻ em các nước Đông Nam Á đều có tỷ lệ thiếu ở mức cao. Các vi chất này ảnh hưởng đến quá trình phát triển cơ thể thông qua vai trò tham gia các phản ứng trong cơ thể.
Danh sách các loại vitamin, khoáng chất cần có trong sản phẩm dùng cho chương trình Sữa học đường do Bộ Y tế quy định với hàm lượng cụ thể. |
Từ năm 2006, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) đã ban hành hướng dẫn tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm (trong đó có hướng dẫn cụ thể tăng cường các vitamin và khoáng chất vào sữa) áp dụng trên toàn thế giới.
Tiếp đó, năm 2016, WHO đã ban hành hướng dẫn sử dụng đa vi chất dinh dưỡng cho trẻ em trên toàn cầu. Đồng thời, Bộ Y tế đã công nhận và ban hành Bảng nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam năm 2016.
Cũng qua nghiên cứu, hầu hết các chất khoáng và vitamin này có trong sữa nhưng hàm lượng dao động theo mùa và theo loại thức ăn bò ăn vào. Do vậy, việc đưa khuyến nghị tăng cường 21 vi chất vào sữa học đường là nhằm đảm bảo hàm lượng các vi chất dinh dưỡng ổn định đạt được mức đảm bảo giá trị dinh dưỡng cho bữa ăn của trẻ em đang trong giai đoạn tăng trưởng và phát triển.
Vì sao cần bổ sung đa vi chất mà không phải là từng loại đơn lẻ?
Trả lời về vấn đề này, ThS.BS Trần Khánh Vân cho biết, các nghiên cứu can thiệp được Tổ chức Y tế Thế giới tiến hành tại nhiều quốc gia đã cho thấy việc bổ sung một vài vi chất đơn lẻ không có ý nghĩa đối với sự phát triển chiều cao của trẻ em. Bổ sung đa vi chất có hiệu quả thực sự rõ rệt hơn đối với sự phát triển chiều cao của trẻ em. Một số nghiên cứu tại Việt Nam cũng cho kết quả tương tự.
Bổ sung đa vi chất có hiệu quả rõ rệt hơn đối với sự phát triển chiều cao của trẻ em. |
Lấy ví dụ phổ biến là để tăng chiều cao, các bậc phụ huynh thường chú trọng vào hàm lượng can-xi. Tuy nhiên, thực tế để tăng trưởng chiều cao và tham gia vào quá trình chu chuyển xương có rất nhiều vi chất khác như vitamin D, Kẽm, Magie,… Một nghiên cứu cũng đã chỉ ra đối với những người thiếu cả Can-xi và Magie nhưng chỉ bổ sung Can-xi sẽ có thể dẫn đến tình trạng chuyển hóa lệch – bà Bùi Thị Nhung, Trưởng khoa Dinh dưỡng trường học, Viện dinh dưỡng Quốc gia cho biết.
Còn theo ý kiến của ông Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, việc bổ sung vi chất dinh dưỡng vào bữa ăn học đường, trong đó có sữa học đường là giải pháp cần được triển khai vì trẻ em ở lứa tuổi học đường là giai đoạn cần tăng trưởng về cân nặng, tăng trưởng chiều cao.
Cụ thể, ông Sơn cho biết thêm, khi trẻ em thiếu máu thì cần phải bổ sung sắt nhưng không phải chỉ bổ sung sắt là đủ. Muốn tăng cường hấp thu sắt tại ruột non và huy động sử dụng sắt dự trữ từ gan thì cần có vitamin A, vitamin B2, vitamin C. Quá trình tổng hợp hồng cầu ngoài sắt thì cần axit folic, vitamin B12... Ngoài ra, muốn thành mạch tốt giảm mất máu thì cần vitamin E, vitamin C. Như vậy chỉ riêng vấn đề thiếu máu phải cần nhiều vitamin bổ sung khác chứ không chỉ có sắt như mọi người hay nghĩ.
Việc bổ sung vi chất dinh dưỡng có đáng sợ như… tin đồn?
Mặc dù cơ sở khoa học đã có, cơ quan chức năng đã ban hành quy định cụ thể, thế nhưng vẫn xuất hiện nhiều luồng thông tin không có căn cứ khoa học về việc liệu bổ sung 21 vi chất có là thừa, đang cho trẻ “uống thực phẩm chức năng” hay “uống thuốc” gây ra sự hoang mang cho phụ huynh học sinh.
Các bậc cha mẹ càng có nhiều lựa chọn đối với sản phẩm sữa để bổ sung những vi chất cần thiết cho con. |
Việc tăng cường đa vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm và sữa cho trẻ em đã được WHO kết luận từ nhiều nghiên cứu đã khẳng định không thể gây quá liều với cơ thể khi áp dụng đúng hàm lượng theo hướng dẫn của WHO năm 2016 (đáp ứng khoảng 10-30% nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị, và ở mức dưới 50% nhu cầu khuyến nghị là an toàn). Tháng 6/2018, Tổ chức Y tế thế giới đã thông báo kết luận các nghiên cứu khoa học cập nhật và tái khẳng định lại điều này.
Để dễ hình dung hơn, theo một chuyên gia trong lĩnh vực dinh dưỡng, chúng ta có thể làm một phép tính đơn giản: nếu căn cứ theo quy định, hàm lượng vitamin C trong 100ml sản phẩm sữa học đường là 6,4 mg, vậy thì phải uống hơn 40 hộp sữa 180ml mới có lượng vitamin C tương đương với một viên vitamin C sủi 500mg thông thường.
Thực tế cũng cho thấy các loại sữa tươi được bổ sung vitamin và khoáng chất vốn không xa lạ tại Việt Nam. Người tiêu dùng có thể dễ dàng mua được tại bất cứ cửa hàng hay siêu thị lớn nhỏ nào. Với nhiều bậc phụ huynh đây còn là một nguồn bổ sung năng lượng và vi chất dinh dưỡng hiệu quả cho con em của họ.
Theo thông tin của Bộ Y tế, với mức quy định về vi chất trong sản phẩm cho chương trình Sữa học đường theo Thông Tư vừa ban hành thì cũng chỉ mới đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu của các em. Vì vậy, trong hầu hết các tài liệu vẫn khuyến khích các bậc phụ huynh cần quan tâm bổ sung đầy đủ cho các con thông qua các thực đơn bữa ăn hàng ngày của trẻ.
Tại Mỹ và nhiều quốc gia khác, sữa là loại thực phẩm thường xuyên có mặt trong bữa ăn tại trường của các em học sinh. |
Rõ ràng, việc xuất hiện các thông tin về những hệ lụy đáng sợ do thừa vi chất để “đe dọa” thời gian gần đây đang tạo ra những sự hoang mang, lo ngại cho cộng đồng. Nếu không có những hành động kịp thời, các nguồn thông tin chính thống để cung cấp những kiến thức khoa học thì e rằng, không lâu nữa người dân sẽ thực sự thấy vi chất là điều gì đó rất “đáng sợ”, trong khi Việt Nam chúng ta vẫn phải đang rất nỗ lực để giảm thiểu tình trạng thiếu vi chất trong nhiều năm qua và mới đạt được những thành quả bước đầu.
- Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trong quá trình góp ý xây dựng Thông tư của Bộ Y tế về sữa học đường, Viện này đã tổng hợp các bằng chứng khoa học và quy định của Tổ chức Y tế Thế giới và đã gửi công văn số 351/VDD-DDHD&NN ngày 06/07/2017 kèm theo báo cáo kỹ thuật về việc khuyến nghị tăng cường 21 vi chất dinh dưỡng vào sữa.
- Ngày 28/8/2018, Bộ Y tế tổ chức họp tiếp thu ý kiến phản hồi của các doanh nghiệp sản xuất sữa. Theo đó, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể đáp ứng được công nghệ trong sản xuất sữa học đường thì trước mắt tập trung tăng cường 3 chất dinh dưỡng vào sữa học đường, sau này khi các doanh nghiệp có điều kiện công nghệ tốt hơn sẽ bổ sung toàn bộ 21 vi chất dinh dưỡng vào sữa học đường. Vì thế, Viện Dinh dưỡng đã làm công văn số 437/VDD-DDHD&NN ngày 17/09/2018 theo chỉ đạo của Bộ Y tế dựa trên kết luận của cuộc họp này về việc trước mắt tạm tăng cường 3 vi chất dinh dưỡng nói trên.
Sữa tươi organic của Vinamilk chinh phục người tiêu dùng Singapore