Gia nhập TPP và AEC, Việt Nam sẽ phải mở cửa sâu và rộng thị trường hàng hóa và dịch vụ trong nước. Mức thuế xuất nhập khẩu của hầu hết các mặt hàng giảm dần về 0% ngoại trừ một số rất ít các mặt hàng nhạy cảm. Trong bối cảnh hội nhập như vậy, các doanh nghiệp (DN) triển vọng xuất sắc nhất Việt nam (Prospect500) chắc chắn sẽ đối mặt với không ít những khó khăn và rào cản bên cạnh những cơ hội tốt để tăng trưởng nếu biết tận dụng.

Những rào cản hội nhập

Một trong những rào cản lớn nhất các doanh nghiệp Prospect500 là phải cạnh tranh khốc liệt với các doanh nghiệp của các nước thành viên khi mức thuế xuất hầu hết các mặt hàng được giảm về 0%. Thực tế cho thấy, tỷ lệ nội địa hóa của hàng hóa Việt Nam rất thấp, nguyên liệu nhập chủ yếu từ nước ngoài nhất là từ Trung Quốc.

Chất lượng hàng hóa còn kém, mẫu mã chưa đa dạng, chưa đánh trúng tâm lý người tiêu dùng. Trong khi đó, hàng hóa của các nước trong AEC (đặc biệt là Thái Lan) lại có chất lượng khá tốt, giá thành tương đối rẻ. Cùng với đó, tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng khiến cho hàng Việt khó tồn tại.

Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp Prospect500 càng gặp nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh một cách bình đẳng với doanh nghiệp nước ngoài. Để cạnh tranh được, doanh nghiệp hoặc phải sản xuất được sản phẩm với giá thành thấp với chất lượng tương đồng, hoặc phải sản xuất được sản phẩm có chất lượng vượt trội.

Đây là một điều rất khó đối với các DN Prospect500 nói riêng và các doanh nghiệp Việt Nam nói chung bởi hầu hết các DN chúng ta đều là doanh nghiệp quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ nên không tận dụng được tính kinh tế theo qui mô.

doanh_nghiep_blkl.jpg
Kinh tế tư nhân – động lực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. (Ảnh minh họa: Internet)

Trong cuộc khảo sát các doanh nghiệp Prospect500 của Vietnam Report tháng 1/2016 cũng cho thấy Sự trỗi dậy của các đối thủ cạnh tranh cũng được xem là một trong 3 rào cản bên ngoài chính đối với tăng trưởng của các DN này trong 3 năm trở lại đây.

Năng lực liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp FDI còn yếu nên đa số cộng đồng các DN triển vọng chưa tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu (nếu có thì cũng chỉ là ở khâu gia công, lắp ráp) . Trong một vài năm gần đây, hầu hết các doanh nghiệp nổi lên đều liên quan đến ngân hàng tài chính, bất động sản, tài nguyên… chứ không phải sản xuất kinh tế thực.

Tất cả những điều này cho thấy các DN triển vọng xuất sắc nhất Việt Nam vẫn còn đối mặt với rất nhiều khó khăn. Nếu bản thân các doanh nghiệp không có chiến lược kinh doanh tốt, thì lợi ích được hưởng mức thuế suất 0% có thể lại nhường cho các nước trong AEC (hiện nay các nước AEC đang tăng cường đầu tư vào Việt Nam nhằm chiếm lĩnh thị trường trong nước và giới thiệu hàng hóa sang các nước thành viên TPP).

Gia nhập TPP, Việt Nam phải tuân thủ các yêu cầu cao về môi trường, lao động, các quy định liên quan đến rào cản kỹ thuật, quyền sở hữu trí tuệ. Đây cũng là một trong những khó khăn lớn cho các doanh nghiệp trong nước.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 91.3% (2015) tổng kim ngạch nhập khẩu là tư liệu sản xuất và thị trường nhập khẩu chính vẫn là Trung Quốc (năm 2015, nhập khẩu từ Trung quốc chiếm 28.8% tổng kim ngạch nhập khẩu).

Nếu doanh nghiệp Việt Nam không tìm được lời giải cho bài toán nguyên vật liệu và vẫn tiếp tục nhập khẩu từ Trung quốc thì hàng hóa Việt Nam không có chỗ đứng cả thị trường trong nước và thị trường các nước TPP, AEC.

Bởi, thứ nhất Trung Quốc không nằm trong khối này; thứ hai, nguyên liệu nhập khẩu này không đáp ứng được các tiêu chuẩn đặt ra cộng với tâm lý lo sợ hàng Trung Quốc của Người Việt thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ không thể tồn tại ngay cả trên chính thị trường của mình.

Việc thực thi các yêu cầu này, buộc các doanh nghiệp phải thay đổi nguồn cung nguyên vật liệu cũng như thay đổi công nghệ thấp bằng những công nghệ cao hơn gây ra những chi phí rất lớn cho doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ.

Cơ hội cho DNTN trong Prospect500

Một trong những điểm nổi bật trong bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp triển vọng xuất sắc nhất Việt Nam là khối doanh nghiệp tư nhân chiếm tỷ trọng doanh thu cao nhất toàn bảng (trên 54%). Đây là tín hiệu đáng mừng cho triển vọng kinh tế nước nhà khi các DNTN có dấu hiệu khởi sắc và có nhiều tiềm năng hơn bao giờ hết trên con đường trở thành những “big name” ("ông lớn") của nền kinh tế.

Trong bối cảnh đó, việc gia nhập TPP, AEC Việt Nam buộc phải cải cách thủ tục hành chính, cải cách thể chế, chính sách thuế, chính sách đầu tư tạo điều kiện phát triển khối doanh nghiệp tư nhân.

Thực tế cho thấy, từ trước đến nay dù pháp luật không quy định ưu đãi cho doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) tuy nhiên trong thực tế, DNNN lại nhận được nhiều đặc quyền đặc lợi: được ưu tiên tiếp cận nguồn vốn vay cả trong và ngoài nước , đất, các nguồn tài nguyên đầu vào sản xuất quan trọng (khoáng sản, xăng dầu, điện…) dẫn đến tình trạng độc quyền trong một số lĩnh vực mà doanh nghiệp tư nhân (DNTN) không thể tham gia.

Một số trường hợp, DNNN đặt giá sản phẩm gây méo mó trên thị trường. Trong bối cảnh hội nhập này, các DNTN được tạo môi trường cạnh tranh một cách bình đẳng hơn, có cơ hội để phát triển trong nhiều ngành nhiều lĩnh vực mà trước đây khó tham gia.

Cơ hội tiếp nữa mà các doanh nghiệp Prospect500 có được khi Việt Nam gia nhập TPP, AEC là mở rộng thị trường sang các nước thành viên. Như đã đề cập ở trên, hội nhập sẽ khiến cho mức thuế suất của hầu hết các mặt hàng giảm về 0%. Đây là cơ hội tốt cho nhiều doanh nghiệp Prospect xuất nhập khẩu.

Doanh nghiệp xuất khẩu có thể mở rộng thị trường, đưa sản phẩm tới người tiêu dùng nước ngoài nhiều hơn với mức giá rẻ hơn. Doanh nghiệp nhập khẩu có thể nhập khẩu nguyên nhiên liệu, trang thiết bị từ các nước thành viên phục vụ cho sản xuất trong nước, giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Hội nhập tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Prospect500 liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài, tiếp cận nguồn vốn, học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng quản lý, kinh doanh sản xuất.

Việc tận dụng được những cơ hội từ TPP và AEC sẽ giúp tạo ra những thay đổi quan trọng đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, nếu không tận dụng tốt cơ hội này và tự cải thiện bản thân, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều thách thức và nguy cơ bị loại ra khỏi quá trình hội nhập ngay trong thị trường nội địa là khó tránh khỏi. Đây chính là thách thức của nền kinh tế chứ không chỉ riêng bản thân các doanh nghiệp. Do đó, Chính phủ cần tạo ra môi trường thuận lợi hơn để các doanh nghiệp nắm bắt cơ hội và phát triển.

Lễ Công bố Danh sách 500 doanh nghiệp tăng trưởng và triển vọng năm 2016 sẽ được  tổ chức vào ngày 12/4/2016 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội. Lễ công bố nhằm ghi nhận và tôn vinh những doanh nghiệp năng động, có tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững, có triển vọng trở thành những doanh nghiệp xuất sắc, góp phần vào công cuộc khôi phục nền kinh tế nước nhà và từng bước hội nhập vào xu thế phát triển của khu vực và thế giới./.