“Cuộc chiến” nhiều cam go

Việt Nam đang phải đối mặt với lượng chất thải phát sinh ngày càng lớn trong khi nguồn nguyên liệu thô, nguyên liệu hoá thạch ngày càng cạn kiệt. Mặc dù Chính phủ đã có nhiều chính sách về nền kinh tế tuần hoàn để thúc đẩy tuần hoàn chất thải, tuy nhiên, do khó khăn về công nghệ, thiếu nguồn lực đầu tư cho ngành công nghiệp tái chế chất thải nên đến nay vẫn chưa hình thành liên kết cũng như thị trường của nền kinh tế tuần hoàn.

Con số mà Tổ chức Ipsos Business Consulting mới đưa ra cho thấy, mỗi năm, người Việt tạo ra 81 triệu tấn rác thải nhựa và nilon thải ra môi trường, nhưng chỉ có khoảng 27% túi nhựa được thu gom và tái chế đúng cách.

nguon_nuoc_qfhb.jpg
Khái niệm về “nền kinh tế tuần hoàn” chưa phổ biến tại Việt Nam, mặc dù trên thế giới đã có các phát kiến đáng kể để góp phần giảm thiểu rác thải, thúc đẩy sự phát triển bền vững. (Ảnh minh họa: KT)

Dù Việt Nam đang rất nỗ lực vượt lên trong cuộc "đua xanh", song các con số hiện tại cho thấy cuộc chiến với rác thải nhựa còn nhiều cam go. Một con số đáng chú ý được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chỉ ra: Việt Nam là một quốc gia nhỏ xếp thứ 68 thế giới về diện tích, thứ 15 thế giới về dân số, nhưng hiện đứng thứ 4 thế giới về rác thải nhựa, với 1,83 triệu tấn/năm. 

Để giải quyết nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm và suy thoái môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, Việt Nam cần phải thay đổi cách tiếp cận chuyển đổi từ các mô hình "kinh tế truyền thống" sang "kinh tế tuần hoàn". "Đây được xem là một ưu tiên trong giai đoạn tiếp theo của phát triển đất nước", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Kinh tế tuần hoàn là gì?

Kinh tế tuần hoàn là một xu hướng phát triển bền vững đạt được cả 2 mục tiêu, ứng phó với sự cạn kiệt của tài nguyên đầu vào và tình trạng ô nhiễm môi trường trong phát triển ở đầu ra. 

Ở cấp độ thấp, kinh tế tuần hoàn tập trung vào quá trình sản xuất của các doanh nghiệp và các mặt hàng nông sản, các nhà sản xuất được khuyến khích và yêu cầu áp dụng các phương pháp sản xuất sạch hơn và thiết kế sinh thái.

Ở cấp độ cao, cấp độ doanh nghiệp, toàn bộ các công đoạn của quá trình sản xuất đều được thiết kế và không có chất thải đưa ra môi trường. Chất thải đều được giảm thiểu tối đa, tái sử dụng và tái chế.

Kinh nghiệm cho thấy, để thực hiện "kinh tế tuần hoàn", Ủy ban Châu Âu đã kêu gọi sự tham gia của tất cả các bên liên quan từ các cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản và nguyên liệu thô, các nhà chế biến, sản xuất, phân phối, bán lẻ, người tiêu dùng, người thu gom rác... tham gia. Theo ước tính thực tế tại Châu Âu, kinh tuần hoàn có thể tạo ra lợi ích 600 tỷ Euro mỗi năm, 580.000 việc làm mới và giúp giảm phát thải khí nhà kính.

Hiện nay, Việt Nam chưa có mô hình kinh tế tuần hoàn, mà mới dừng lại ở tái sử dụng, tái chế chất thải mang lại lợi ích về tài chính cho cơ sở sản xuất và tiêu dùng, chưa mang lại lợi ích kinh tế nên chính hoạt động của các mô hình đó đã gây ra ô nhiễm và suy thoái môi trường.

Việc chuyển đổi từ một nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế tuần hoàn đòi hỏi phải có sự thay đổi cả hệ thống, trong đó phát huy vai trò của các bên liên quan gồm nhà nước và doanh nghiệp hết sức quan trọng. 

Các doanh nghiệp lớn vào cuộc

Thực tế, những điển hình về áp dụng kinh tế tuần hoàn trong doanh nghiệp hay được nhắc đến chủ yếu là các doanh nghiệp lớn, chưa len lỏi nhiều vào doanh nghiệp nhỏ. Ví dụ như Unilever với chương trình thu gom tái chế bao bì nhựa và phân loại rác tại nguồn; Coca Cola với chương trình thu gom, phân loại chai nhựa. Đây cũng là hai đơn vị nòng cốt trong sáng kiến "Zero Waste to Nature" (không phát thải ra tự nhiên).

Coca Cola Việt Nam đã gia nhập “Liên minh tái chế bao bì” (PRO Việt Nam) nhằm chia sẻ mục tiêu, tầm nhìn và trách nhiệm trong việc thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam thông qua các hoạt động giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái chế chất thải. 

Lễ ký kết thành lập Liên minh tái chế bao bì.

Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch PRO Việt Nam chia sẻ: Thực hiện sứ mệnh “Thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam và hỗ trợ việc tái chế bao bì trở nên dễ tiếp cận và bền vững hơn”, PRO Việt Nam có tham vọng đến năm 2030, các bao bì đồng gói do các thành viên đưa ra tiêu thụ trên thị trường sẽ có khả năng thu gom để tái chế, mà trọng tâm là xây dựng và phát triển hệ thống thu gom bao bì trên cơ sở hợp tác với chính quyền địa phương và các bên liên quan trong ngành để thúc đẩy tái chế.

Coca-Cola Việt Nam đưa cam kết: Mỗi lít nước được sử dụng, Coca-Cola sẽ trao trả một lít nước sạch lại cho cộng đồng, góp một phần không nhỏ ảnh hưởng tích cực lên môi trường. Dự án Trung tâm Hoạt động Cộng đồng EKOCENTER của Coca-Cola được thành lập từ năm 2015 đến nay có hơn 12 EKOCENTER toàn quốc, đã cung cấp hơn 5 triệu lít nước sạch cùng các lợi ích thiết thực khác như lớp kỹ năng, chương trình sinh hoạt và chăm sóc sức khỏe khác cho người dân.

Mới đây, Coca-Cola Tây Âu cũng đã tung ra mẫu chai được tái chế từ rác thải nhựa trên biển đầu tiên trên thế giới. Điều này là minh chứng cho tính khả thi của việc sử dụng rác thải từ đại dương trong quy trình tái chế bao bì cho thực phẩm và đồ uống. 

Giải pháp nào cho Việt Nam?

Theo nghiên cứu của Accenture Strategy, mô hình kinh tế tuần hoàn có thể mở ra cơ hội thị trường trị giá lên tới 4.500 tỷ USD và tạo ra hàng triệu việc làm cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 2030. Nhiều tập đoàn lớn đã và đang triển khai hướng tới kinh tế tuần hoàn trong tổ chức.

Ví dụ, IKEA cam kết ứng dụng hoàn toàn mô hình kinh tế tuần hoàn vào 2030, Lego hướng đến dùng nhựa thực vật, Carlsberg cải thiện giải pháp đóng gói giảm dùng nhựa. Tại Schneider Electric, các hoạt động kinh tế tuần hoàn chiếm 12% doanh thu và dự kiến tiết kiệm 100.000 tấn tài nguyên giai đoạn 2018-2020. 

Rất nhiều doanh nghiệp lựa chọn bắt đầu từ những việc làm nhỏ, thiết thực. Bà Lê Từ Cẩm Ly, Giám đốc Đối ngoại và pháp lý, Coca-Cola Đông Dương chia sẻ, Coca-Cola Việt Nam với định hướng phát triển cộng đồng sẽ hoàn trả cho cộng đồng và thiên nhiên lượng nước tương ứng với những gì Coca-Cola Việt Nam sử dụng để sản xuất và hoàn thiện đồ uống. Đó là lượng nước sử dụng để sản xuất đồ uống (dựa trên khối lượng bán ra hàng năm) được trả lại cho cộng đồng và thiên nhiên; số lít nước sử dụng để sản xuất đồ uống được làm đầy trở lại.

Coca-Cola Việt Nam cam kết trả lại cộng đồng một lít nước sạch cho mỗi lít nước được sử dụng.

Tính đến tháng 6/2019, Coca-Cola Việt Nam đã đầu tư hơn 40 tỷ đồng cho dự án nước sạch vì cộng đồng, cung cấp hơn 2 tỷ lít nước sạch tại 7 tỉnh, thành phố với hơn 70.000 người dân được thụ hưởng.

TSKH. Phan Xuân Dũng – Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đánh giá, các thách thức về môi trường, về tài nguyên thiên nhiên đã khiến nhiều quốc gia trên thế giới phải thay đổi chính sách, chiến lược và mô hình phát triển kinh tế - xã hội, hướng đến một nền kinh tế xanh, sạch, nền kinh tế hiệu suất cao, nền kinh tế không phát thải và nền kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững.

Việc xây dựng và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn có trọng tâm là tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên có trách nhiệm, nâng cao hiệu quả sản xuất, chuyển đổi sâu sắc chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị, mô hình tiêu dùng, tái thiết kế hệ thống công nghiệp và quản lý chất thải hiệu quả trong bối cảnh thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu./.