Nếu như kinh tế sản xuất thông thường bao gồm ba giai đoạn là khai thác, sản xuất và vứt bỏ, thì kinh tế tuần hoàn tập trung vào tái sử dụng rác thải để sản xuất sản phẩm khác, qua đó tận dụng được nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí xử lý và giúp giảm đáng kể lượng rác thải ra môi trường.
Cần chủ động giảm rác thải nhựa
Nỗi lo rác thải nhựa đến từ hầu khắp các lĩnh vực từ sản xuất, công nghiệp nặng, xây dựng, nông nghiệp, cho đến mỹ phẩm, ẩm thực... Hiện mỗi năm, Việt Nam phát thải khoảng 25 triệu tấn rác thải sinh hoạt, trong đó rác thải nhựa khoảng 2 triệu tấn. Tuy nhiên, việc thu hồi rác thải còn rất thấp, chủ yếu vẫn bị chôn lấp và một phần trôi nổi ra biển.
Chống rác thải nhựa thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. (Ảnh minh họa: KT) |
Chia sẻ tại Diễn đàn "Chống rác thải nhựa: Trách nhiệm quản lý - truyền thông - doanh nghiệp" tổ chức mới đây, bà Nguyễn Thị Thu Hoài - Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, đối tượng tuyên truyền phong trào chống rác thải nhựa là toàn xã hội, nhưng cần tập trung vào doanh nghiệp và hộ gia đình để họ chủ động giảm rác thải nhựa trong sản xuất kinh doanh và đời sống.
Càng lan tỏa bao nhiêu tốt bấy nhiêu, nhưng cần tập trung những đối tượng để tác động mạnh mẽ hơn, bà Hoài cho hay.
Các số liệu gần đây chỉ ra Việt Nam đang là 1 trong 5 nước dẫn đầu trên toàn cầu về lượng rác thải nhựa thải ra đại dương, tương đương 280.000 tấn mỗi năm. Trong khi đó, các doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu tái chế lại dùng 80% lượng phế liệu nhựa và 57% nguyên liệu giấy tái chế nhập khẩu từ nước ngoài.
Thực tế này dẫn đến nhu cầu cần có được một hệ sinh thái thu gom và tái chế bao bì trong nước đứng vững trước sự biến động giá cả hoặc nguồn cung từ thế giới. Việc hiện thực hoá được điều này sẽ giúp giảm thiểu lượng bao bì thải ra môi trường và vấn nạn rác thải nhựa tại đại dương.
Sản xuất dựa trên nguồn nguyên liệu tái chế tốt hơn các nguyên liệu thô vì việc đó giúp giảm thiểu tiêu tốn năng lượng và lượng khí thải nhà kính. Nhiều nhà sản xuất và chủ sở hữu thương hiệu đã đầu tư các dây chuyền sản xuất sử dụng nguyên liệu tái chế, vì vậy, nguồn cung nguyên liệu tái chế cần phải được đảm bảo để không có sự thiếu hụt nào có thể gây bất lợi cho các công ty.
Việc làm nhỏ, lợi ích lớn
Rất nhiều doanh nghiệp lựa chọn bắt đầu từ những việc làm nhỏ, thiết thực. Bà Lê Từ Cẩm Ly, Giám đốc Đối ngoại và pháp lý, Coca-Cola Đông Dương chia sẻ, Coca-Cola Việt Nam với định hướng phát triển cộng đồng sẽ hoàn trả cho cộng đồng và thiên nhiên lượng nước tương ứng với những gì Coca-Cola Việt Nam sử dụng để sản xuất và hoàn thiện đồ uống. Đó là lượng nước sử dụng để sản xuất đồ uống (dựa trên khối lượng bán ra hàng năm) được trả lại cho cộng đồng và thiên nhiên; số lít nước sử dụng để sản xuất đồ uống được làm đầy trở lại.
Tính đến tháng 6/2019, Coca-Cola Việt Nam đã đầu tư hơn 40 tỷ đồng cho dự án nước sạch vì cộng đồng, cung cấp hơn 2 tỷ lít nước sạch tại 7 tỉnh, thành phố với hơn 70.000 người dân được thụ hưởng.
Coca-Cola được vinh danh tại sự kiện "Lễ ra quân toàn quốc phong trào chống rác thải nhựa". |
Bên cạnh đó, một liên minh từ chín công ty hàng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và bao bì với cùng chung mong muốn góp phần vì một Việt Nam xanh, sạch, đẹp bằng việc thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua việc làm cho quá trình thu gom và tái chế bao bì sản phẩm được thực hiện theo cách dễ tiếp cận hơn và bền vững hơn. Đây là một trụ cột quan trọng trong nguyên tắc 3R (Reduce – giảm thiểu, Reuse – tái sử dụng, Recycle – Tái chế). Để đạt được mục tiêu này, chín công ty đã bắt tay cùng nhau bàn bạc, thống nhất và cùng tổ chức buổi lễ ký kết thành lập liên minh Tổ chức Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Vietnam) tại TP HCM ngày 21/6 vừa qua.
Chín công ty tiên phong sáng lập nên PRO Vietnam (theo thứ tự bảng chữ cái) là Coca-Cola Việt Nam, Friesland Campina Việt Nam, La Vie, Nestle, Nutifood, Suntory PepsiCo Việt Nam, Tetra Pak, TH Group và Universal Robina Corporation. PRO Vietnam đánh dấu lần đầu tiên tại Việt Nam các doanh nghiệp có mối quan hệ cạnh tranh bắt tay hợp tác và cùng nhau nỗ lực cải thiện môi trường Việt Nam.
Khi công tác tái chế không được tiến hành một cách triệt để, bao bì đã qua sử dụng sẽ trở thành nguồn tài nguyên bị lãng phí mà hành tinh của chúng ta không thể tiếp nhận thêm.
Để góp phần cải thiện tỷ lệ tái chế, Coca Cola sẽ tận dụng hệ thống quảng bá tiếp thị toàn cầu của mình nhằm giúp cung cấp kiến thức cho công chúng về mục tiêu, phương thức và địa điểm tái chế. Công ty cũng sẽ duy trì hợp tác với các cộng đồng địa phương, tổ chức phi chính phủ, đối tác kinh doanh và người tiêu dùng để giúp công tác tái chế ngày một dễ dàng hơn và dễ tiếp cận hơn cho mọi người thông qua việc cải tiến các hệ thống tái chế tại địa phương bên cạnh thúc đẩy thay đổi các chính sách khuyến khích phát triển nền kinh tế tuần hoàn./.