Thực hiện Nghị quyết của Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về việc triển khai thành lập Công ty Dịch vụ Điện lực và phương án quản lý lưới điện 220/110kV thuộc các Tổng công ty điện lực miền Nam, sáng 28/12, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) tổ chức Lễ ra mắt Công ty Dịch vụ Điện lực miền Nam có trụ sở tại số 16 Âu Cơ, P. Tân Sơn Nhì, Quận Tân Phú, TP.HCM.

Nhằm thực hiện tiến trình sắp xếp tái cơ cấu của EVN, Tổng công ty Điện lực miền Nam thành lập Công ty Dịch vụ Điện lực miền Nam nhằm tách bạch hoạt động dịch vụ ra khỏi hoạt động sản xuất, kinh doanh điện năng theo chủ trương của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

dsc08570_nnsb.jpg
Lễ ra mắt Công ty Dịch vụ Điện lực miền Nam

Trước đó, ngày 11/12/2018, EVNSPC ban hành quyết định đổi tên Công ty Lưới điện cao thế miền Nam thành Công ty Dịch vụ Điện lực miền Nam (Công ty DVĐL) trực thuộc EVNSPC; ngày 14/12/2018 EVNSPC cũng đã tổ chức lễ ký kết bàn giao công tác quản lý vận hành lưới điện cao thế giữa Công ty DVĐL và các Công ty Điện lực tại 21 tỉnh, thành phố phía Nam. Các Công ty Điện lực tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm quản lý vận hành lưới điện cao thế kể từ ngày 16/12/2018 và tiếp tục tiếp nhận bàn giao chi tiết tài sản, vật tư thiết bị, nhân sự đến hết 31/12/2018.

Ông Ngô Quang Vinh, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Tư vấn điện miền Nam được giao nhiệm vụ Phụ trách điều hành Công ty DVĐL miền Nam, kể từ ngày 01/01/2019. Các ông: Phạm Trọng Tiên, Nguyễn Thanh Tuấn, Võ Văn Trãi giữ chức vụ Phó giám đốc công ty.

“Công ty DVĐL được hình thành với nhiều nhiệm vụ được giao, trước mắt sẽ còn nhiều khó khăn, đòi hỏi lãnh đạo và cán bộ công nhân viên công ty thể hiện tinh thần đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được Tổng công ty giao”, ông Nguyễn Văn Hợp, Tổng Giám đốc EVNSPC chỉ đạo.

Công ty DVĐL có trụ sở làm việc tại số16 đường Âu Cơ, phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú, TPHCM với 20 Xí nghiệp dịch vụ trực tiếp sản xuất và thực hiện các dịch vụ phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh đặt tại các tỉnh/thành phố phía Nam. Với các ngành nghề kinh doanh chính như: Khảo sát, thiết kế, lập dự án, lập thiết kế kỹ thuật-dự toán, tư vấn kiểm tra, giám sát, thẩm định chất lượng công trình điện; sửa chữa lớn các công trình điện; cải tạo, nâng cấp, mở rộng các công trình điện; xây lắp các công trình điện; thí nghiệm các công trình điện; gia công cơ khí, sửa chữa thiết bị điện; các dịch vụ như lắp đặt, sửa chữa điện sau công tơ; đầu tư, vận hành, kinh doanh điện mặt trời trên mái nhà/năng lượng áp mái.

Và các ngành nghề kinh doanh có liên quan như: Khảo sát thiết kế, giám sát thi công; quản lý, chỉnh trang treo cáp viễn thông trên cột điện và các công việc mang tính dịch vụ khác; các dịch vụ kinh doanh cung cấp, bảo hành, bảo trì, kiểm định máy móc, thiết bị trong ngành điện; nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực điện năng và thực hiện các nhiệm vụ khác theo ủy quyền của EVNSPC./.