“Hiện vẫn còn nhiều bất cập trong hệ thống chính sách hỗ trợ về vốn để phát triển công nghiệp hỗ trợ”. Đây là ý kiến của nhiều đại biểu và chuyên gia tại diễn đàn Các giải pháp về vốn để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, do Viện Nghiên cứu Chiến lược chính sách công nghiệp tổ chức sáng 31/5 tại Hà Nội.

cnht_nyit.jpg
Diễn đàn Các giải pháp về vốn để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.
Tại diễn đàn, nhiều ý kiến đại biểu và chuyên gia kinh tế cho rằng, công nghiệp hỗ trợ là động lực trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng, tạo ra năng lực cạnh tranh cho sản phẩm công nghiệp chính và đẩy nhanh công nghiệp hóa quốc gia. Thế nhưng hiện nay việc đầu tư cho ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa tương xứng.

Hiện cả nước có gần 1.400 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, chỉ chiếm 0,3% doanh nghiệp hoạt động trên cả nước. Do nguồn lực đầu tư của Nhà nước còn eo hẹp, phần đầu tư cho công nghiệp hỗ trợ còn nhiều hạn chế, nên các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về vốn và công nghệ để có thể đầu tư trang thiết bị, chuyển giao công nghệ, khó tiếp cận hỗ trợ của Nhà nước.

Bà Trịnh Thị Ngân, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội nêu ý kiến: Các doanh nghiệp chủ yếu vay vốn từ các ngân hàng thương mại, việc hỗ trợ của Nhà nước chưa nhiều. Trong khi đối tượng được thụ hưởng thường là các doanh nghiệp có nguồn tài chính tốt, thì đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã khó khăn lại còn khó khăn hơn trong việc tiếp cận được nguồn vốn.

“Đối với ngành công nghiệp hỗ trợ cũng thường đòi hỏi nguồn vốn lớn, trong khi thời gian hoàn vốn rất chậm nên để được vay vốn không phải là một chuyện dễ dàng. Do đó, cần có các chính sách của nhà nước cần cụ thể, rõ ràng tạo động lực để doanh nghiệp phát triển”, bá Ngân nêu rõ.

Hiện nguồn vốn cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam chỉ có 25% từ thị trường chứng khoán, trái phiếu, các quỹ đầu tư, còn 75% là từ các ngân hàng thương mại. Trong khi đó, ở Trung Quốc nguồn vốn từ ngân hàng cho các doanh nghiệp là 50%, ở Singapore, Malaysia từ 30-40%. Các chuyên gia cho rằng, cần có một định chế tài chính tương đối chuyên biệt để tăng tỷ lệ nguồn vốn cho doanh nghiệp từ các quỹ đầu tư.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, muốn các Quỹ hỗ trợ cho đối tượng là doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là doanh nghiệp hỗ trợ đi vào hoạt động hiệu quả, cần phải có được một định chế tài chính tương đối chuyên biệt để phục vụ các đối tượng này.

“Hiện nay chúng ta có 40 Quỹ, một trong những vướng mắc đó là nguồn nhân lực về thẩm định những dự án, những đề án, việc đó nên ủy thác cho hệ thống ngân hàng, khi đó sẽ có nghiệp vụ và theo đó cần phải có sự phối hợp tốt hơn giữa hệ thống ngân hàng và các Quỹ đầu tư”, chuyên gia Cấn Văn Lực đánh giá./.