Chính phủ mới ban hành Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ có hiệu lực từ ngày 1/1/2016. Theo đó, tổ chức, cá nhân nghiên cứu và phát triển sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được tài trợ từ Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, hỗ trợ từ các Quỹ, nguồn kinh phí khác dành cho nghiên cứu, phát triển và đào tạo.
Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được tài trợ sẽ bao gồm 6 lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ gồm: Dệt may, da giày, điện tử, cơ khí chế tạo, lắp ráp ô tô, công nghiệp công nghệ cao với gần 60 mặt hàng.
Cụ thể, ngành dệt may có các loại mặt hàng khi đầu tư sẽ được hỗ trợ như xơ, sợi, vải, chỉ may, cúc, khóa kéo, lưng thun; Ngành da giày có 7 mặt hàng gồm vải giả da, da thuộc, đế giày, mũ giày, chỉ may giày, keo dán giày, khoen, móc... Ngành điện tử có 9 mặt hàng, gồm pin máy tính, pin điện thoại, dây cáp điện, đèn led, tai nghe, màn hình, loa... Ngành sản xuất ô tô có 19 mặt hàng và nhóm hàng ưu tiên như các loại cần gạt nước, ghế xe, kính chắn gió, phanh, lái, ắc quy...
Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển gồm 6 nhóm lĩnh vực với 60 mặt hàng. (Ảnh minh họa: KT) |
Tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển giao công nghệ sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được hưởng ưu đãi của pháp luật về chuyển giao công nghệ và các ưu đãi khác theo quy định hiện hành.
Nhà nước hỗ trợ tối đa đến 75% chi phí chuyển giao công nghệ đối với Dự án sản xuất vật liệu có sử dụng trên 85% nguyên liệu là sản phẩm của quá trình chế biến sâu khoáng sản trong nước bao gồm quặng kim loại, quặng phi kim loại và sản phẩm hóa dầu để phục vụ cho sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ…/.