Ông Phan Bội Trân (60 tuổi, ở TP HCM) - người Việt đầu tiên chế tạo tàu ngầm dân sự nổi tiếng mang tên Yết Kiêu 1 từ năm 2010.
Những chiếc tàu ngầm đa chức năng
Theo thông tin đăng tải trên Tiền phong, thiết kế của tàu ngầm Yết Kiêu dài 1,5 mét, chiều ngang 70 cm, cao 1,6 mét và nặng 200 kg, chạy bằng động cơ điện được khoảng 2 tiếng với tốc độ tối đa 15 hải lý/giờ.
Vỏ tàu được làm bằng vật liệu composite có độ bền hơn vỏ thép, vật liệu này giúp tiết kiệm chi phí. So với các thiết kế tàu ngầm ông Trân từng chế tạo, chiếc tàu dân sự này có nhiều cải tiến và có thể chứa 2 người ngồi bên trong.
“Tàu có màu vàng chanh trông rất bắt mắt, khả năng lặn và hoạt động dưới nước tốt, giúp khách du lịch có thể điều khiển tàu đi tham quan rặng san hô và ngắm cá dưới biển dễ dàng”, ông Trân nói trên Tiền phong.
Năm 2014, ông Trân nhận được tin vui từ một đối tác uy tín lâu năm thông báo rằng, chiếc tàu ngầm dân sự của ông đã được công ty ở Malaysia đặt hàng 5 chiếc để phục vụ du lịch. Hiện đối tác đã đặt cọc tiền.
"Tôi mừng lắm khi biết tin chiếc tàu ngầm do mình chế tạo có thể sang Malaysia, dù bán ra nước ngoài, nguy cơ bị sao chép công nghệ là rất cao. Hiện tôi đang chuẩn bị thủ tục để đăng ký sở hữu trí tuệ cho thiết kế chiếc tàu ngầm này”, ông Trân cho biết.
Tiếc nuối với tiềm năng…
Trả lời phỏng vấn báo Đất Việt, ông Phan Bội Trân cho biết, công ty du lịch của Malaysia đặt mua 4 chiếc tàu 2 người ngồi và 1 tàu mẹ đang được sản xuất có khả năng chứa 4 tàu ngầm mini. Tàu mẹ sẽ chở 4 tàu con từ cầu cảng ra địa điểm du lịch sau đó hệ thống thang máy của tàu mẹ sẽ đưa 4 tàu con xuống nước.
Chủ nhân tàu ngầm Yết Kiêu cũng cho biết, trước khi chào hàng đối tác nước ngoài, ông đã bắt đầu làm việc với các công ty Việt Nam. Tuy nhiên, do Việt Nam chưa có quy hoạch các rặng san hô, cơ chế đăng kiểm đăng ký cho tàu ngầm mini du lịch nên việc phát triển loại hình còn khó khăn, khiến các doanh nghiệp e ngại.
Ông Trân chia sẻ, lợi thế du lịch của Việt Nam là không hề nhỏ, từ những bãi biển đẹp nổi tiếng như Nha Trang, Mũi Né, Cù Lao Chàm… và các rặng san hô gần bờ, đều có thể áp dụng được. Các công ty của Việt Nam cũng rất thích thú với ý tưởng này, nhưng họ còn rất nhiều thứ phải e ngại.
“Ở Malaysia, các rặng san hô được quy hoạch chỉ để phục vụ du lịch nhưng Việt Nam không có những quy hoạch như thế khiến tàu ngầm bơi dưới nước sợ va phải tàu nổi đi trên mặt nước. Chưa kể Việt Nam chưa có cơ chế đăng kiểm đăng ký cho tàu ngầm mini du lịch, vì thế phát triển loại hình này còn là một điều cực kỳ khó khăn ở nước ta. Chúng ta đã bỏ lỡ một lơi thế”, ông Trân chia sẻ.
Không giấu vẻ tiếc nuối, ông Trân bày tỏ: “Tôi buộc phải đưa tàu ngầm của mình bán ở nước ngoài, dù đối mặt với nguy cơ bị sao chép công nghệ rất cao, nhưng không còn cách nào khác”./.