Sáng 12/5, tại TP HCM, Cục chế biến Nông lâm thủy sản và nghề muối phối hợp với Công ty Cổ phần Organic Life tổ chức hội thảo “Nhận diện sản phẩm nông nghiệp Organic Việt Nam – Xu hướng phát triển và xúc tiến liên kết sản xuất tiêu thụ”.

lket_vggz.jpg
Quá trình liên kết giữa doanh nghiệp với người dân đang còn gặp rất nhiều khó khăn.
Các đại biểu cho rằng, việc liên kết giữa người nông dân và các doanh nghiệp là yêu cầu bức thiết trong phát triển nông nghiệp bền vững. Để có được chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, cần có thêm những cơ chế, chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Trên thực tế, một doanh nghiệp muốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp hiện nay đang gặp phải nhiều rào cản về thủ tục hành chính, thói quen sản xuất tự phát của người nông dân và rủi ro về thị trường. Trong bối cảnh đất nước đang hội nhập sâu với các nước trong khu vực và trên thế giới, chỉ khi nào thu hút được sự tham gia của doanh nghiệp thì nông nghiệp Việt Nam mới có sự chuyển đổi về giống, quy trình sản xuất, công nghệ chế biến và thị trường tiêu thụ.

Bà Nguyễn Thủy Liễu, Giám đốc Công ty Cổ phần Thế giới Organic Thuần Khiết cho biết, trong quá trình liên kết, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn khi phải đóng thuế đầu vào 5%, trong khi người nông dân sản xuất nhỏ lẻ lại không có hóa đơn để doanh nghiệp làm các thủ tục tài chính.

Trong năm 2016, Việt Nam vẫn có 10 sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD. Trong đó, các sản phẩm xuất khẩu chủ lực là: Lúa gạo, tiêu, điều, cà phê, cao su, tôm, cá tra, cá basa... được đánh giá có chất lượng hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, đối với thị trường trong nước và xuất khẩu, nông sản của nước ta đang phải đối mặt với những khó khăn do người sản xuất sử dụng thuốc trừ sâu, chất kích thích tăng trưởng và hóa chất độc hại. Sự phát triển nông nghiệp theo kiểu “ăn sổi” đang làm mất niềm tin của người tiêu dùng./.