Trong thời gian qua, nhiều nhà máy, công ty sản xuất vật liệu xây dựng đã phải ngừng sản xuất khi sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Cùng với đó là những khoản vay đầu tư lớn khiến các doanh nghiệp trong ngành vật liệu xây dựng hiện đang rất khó khăn, một số đơn vị có nguy cơ phá sản.

Thị trường bất động sản đóng băng, đầu tư công bị cắt giảm khiến lượng tồn kho của các doanh nghiệp vật liệu xây dựng lớn nhất từ trước tới nay. Các doanh nghiệp làm đá ốp lát phải cắt giảm 50% lao động, hiện lượng hàng tồn kho là 60 triệu m2 gạch ốp lát và trên 1 triệu sản phẩm sứ vệ sinh.

theptonkho.jpg
Ngành thép xây dựng đang gặp rất nhiều khó khăn.

Những nhà máy sản xuất gạch bê tông khí chưng áp cũng rơi vào tình trạng bi đát, cả nước có 12 nhà máy với công suất thiết kế khoảng 1,5 triệu m3/năm, nhưng chỉ sản xuất 15% công suất và tiêu thụ chỉ đạt 15% lượng sản xuất. Ngành kính cũng không khá hơn, lượng tồn kho 60 triệu m2.

Ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam thừa nhận: Ngành thép xây dựng đang gặp rất nhiều khó khăn khi sản phẩm không tiêu thụ được do tồn kho sản phẩm, sản xuất bị cắt giảm nên việc hoàn vốn đầu tư gặp khó khăn, doanh nghiệp khó có thể trả nợ được tiền đầu tư xây dựng nhà máy.

“Có một số doanh nghiệp thép đã ngừng sản xuất. Thực tế họ phá sản nhưng không công bố. Các doanh nghiệp còn lại cố gắng trụ vượt qua khó khăn bằng cách đẩy mạnh xuất khẩu nhưng riêng thép xây dựng thì giảm trên 10%. Chúng tôi đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước có chính sách giúp dòng tiền lưu chuyển, các nhà đầu tư có tiền để sử dụng như thế đầu ra của ngành thép sẽ được đảm bảo, tiêu thụ thép tốt hơn” - ông Phạm Chí Cường đau xót.

Hiện năng lực sản xuất của ngành xi măng là 68 triệu tấn/năm, trong khi đó, tiêu thụ cả trong nước và xuất khẩu chỉ là hơn 54 triệu tấn. Sau khi rà soát đánh giá lại xác định nhu cầu trong nước tới năm 2015 chỉ dừng ở mức 60 - 61 triệu tấn, xuất khẩu 10 triệu tấn, Bộ Xây dựng đã báo cáo và kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh “Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 và định hướng đến năm 2030”.

Trên cơ sở nhu cầu thị trường sau khi kiểm tra năng lực của 24 dự án xi măng thì chỉ có 7 dự án đi vào sản xuất từ nay cho đến 2015, Bộ Xây dựng kiến nghị đưa 9 dự án ra khỏi quy hoạch, những dự án còn lại cho lùi sau giai đoạn 2015.

Như vậy, đến năm 2015 thay vì sản xuất 94 triệu tấn sẽ chỉ còn lại 80 triệu tấn, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu 70-71 triệu tấn, như vậy sức tiêu thụ đạt được 90% sản lượng.

Ông Nguyễn Tử Thanh - Phó Trưởng phòng kế hoạch chiến lược, Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam cho rằng, bên cạnh điều chỉnh quy hoạch, giảm nguồn cung ra thị trường thì giải pháp trước mắt cho các công ty xi măng là mở rộng thị trường hướng ra xuất khẩu.

“Giải pháp thị trường thì ngoài tiêu thụ trong nước, xuất khẩu xi măng là giải pháp rất quan trọng. Về chiến lược lâu dài thì không ai đầu tư nhà máy xi măng để xuất khẩu, tính hiệu quả trực tiếp trên 1 tấn sản phẩm thì không nhiều nhưng vấn đề ở đây mang lại hiệu quả gián tiếp cho sản xuất là giúp cho các doanh nghiệp xi măng cân đối được dòng tiền trả nợ” - ông Nguyễn Tử Thanh cho biết.

Theo TS Trần Văn Huynh - Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, giải quyết bài toán thừa vật liệu xây dựng hiện tại phải thực hiện đồng bộ 3 giải pháp.

Thứ nhất, đầu tư phát triển sản xuất theo quy hoạch dựa trên cơ sở cân đối cung cầu của thị trường; không đầu tư mới các dây chuyền sản xuất xi măng, gạch ceramic, gạch granite, sứ vệ sinh, kính tấm xây dựng, cán thép xây dựng bởi năng lực sản xuất những ngành này hiện nay đủ phục vụ cho nhu cầu của thị trường tới năm 2015.

Thứ hai, thúc đẩy việc đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vật liệu xây dựng như dùng xi măng làm đường nông thôn, đường giao thông, các công trình xây dựng đầu tư bằng nguồn vốn của Nhà nước phải sử dụng vật liệu trong nước… khơi thông thị trường bất động sản để tăng nguồn cầu cho thị trường vật liệu xây dựng.

Cuối cùng, là hạn chế nhập khẩu vật liệu xây dựng. TS Trần Văn Huynh cho rằng: “Muốn giải quyết khủng hoảng vật liệu xây dựng để không thừa nhiều phải giảm nhập khẩu. Muốn hạn chế nhập khẩu trước tiên phải hạn chế từ những Tổng thầu xây dựng nước ngoài (EPC) thực hiện các công trình phải sử dụng vật liệu xây dựng của Việt Nam”.

Như vậy, trong 3 năm tới, những dự án đầu tư vật liệu xây dựng sẽ dừng lại nhằm hạn chế nguồn cung ra thị trường, ngành vật liệu xây dựng cũng sẽ phải điều chỉnh lại quy hoạch cho phù hợp với nhu cầu của thị trường. Xu hướng sáp nhập, các doanh nghiệp nhỏ hình thành các tổng công ty lớn là xu hướng được Chính phủ khuyến khích nhằm tăng sức cạnh tranh, tạo nên những thương hiệu lớn của ngành sản xuất vật liệu xây dựng./.