Hiện Hà Nội là địa phương có nhiều làng nghề nhất cả nước, trong đó có nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống có bề dày lịch sử lâu đời như: gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, thêu Quất Động… Tính đên nay, Hà Nội có 1.350 làng nghề, chiếm 30% tổng số làng nghề trong cả nước. Hiện các làng nghề đã và đang tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động, kim ngạch xuất khẩu dạt 200 triệu USD/năm.
Tại hội thảo với chủ đề “Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với làng nghề trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế” do Sở Công TP Hà Nội tổ chức mới đây, nhiều ý kiến nhận định, hiện vẫn đang tồn tại những yếu kém của làng nghề cần khắc phục như, mẫu mã sản phẩm của nhiều làng nghề ít được đổi mới, chủ yếu là mẫu cũ hoặc sao chép các mẫu sẵn có trên thị trường.
Sản phẩm gốm tráng men tại làng nghề Bát Tràng. |
Theo bà Hà Thị Vinh, Tổng Giám đốc Công ty Gốm sứ mỹ nghệ xuất khẩu Quang Vinh, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp phải đổi mới toàn diện mới có thể phát triển và trụ vững, cũng như xuất khẩu sang các nước trên thế giới.
“Trong suốt 30 năm làm sản phẩm xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, đặc biệt trong bối cảnh phát triển cuộc cách mạng 4.0, công ty hiểu ra một điều, nếu không hoàn thiện mình, không đầu tư các ứng dụng về khoa học và công nghệ thì sẽ không bước vào được thị trường”, bà Vinh cho biết.
Trong xu thế toàn cầu hiện nay, cách mạng 4.0 được hi vọng sẽ giúp cho các làng nghề phát triển. Tuy nhiên để tận dụng được những lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp này, các làng nghề phải định vị trình độ của các chủ thể kinh doanh để có giải pháp áp dụng những lợi thế của cuộc cách mạng này và hiểu đúng hiểu đủ về cách mạng 4.0.
Theo PGS.TS. Nguyễn Thừa Lộc, Giảng viên cao cấp, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, tái cơ cấu làng nghề là sự thay đổi cần thiết. Theo đó, cần tái cơ cấu sản phẩm, tái cơ cấu thị trường, tổ chức quản lý và về tài chính nhằm đưa làng nghề lên một bước phát triển mới.
Mỗi làng nghề phải định vị khả năng công nghiệp của mình xem đang ở 1.0; 2.0 hay 3.0 để từ đó có kế hoạch, lộ trình để vận dụng chiến lược phát triển trong làng nghề. Do đó yêu cầu đặt ra là phải có đầu tư nguồn lực tương xứng về máy móc thiết bị, có sở vật chất trong bối cảnh hiện nay để từ đó trụ vững và phát triển các làng nghề.
Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về sự phát triển của làng nghề cũng như những tác động của cuộc công nghiệp lần thứ 4 đối với làng nghề; đúc rút từ bài học có giá trị của các nước trên thế gới trong việc tận dụng thời cơ, cơ hội mà cuộc cách mạng lần thứ 4 mang lại. Từ đó, đề xuất các giải pháp để phát triển bền vững làng nghề trong quá trìn hội nhập kinh tế quốc tế dưới tác động của cuộc cách mạng này mang lại./.