Hoạt động xuất nhập khẩu đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, 9 tháng qua, xuất nhập khẩu của Hà Nội gặp nhiều khó khăn.

Để đạt được những chỉ tiêu về kinh tế, Hà Nội đang tập trung nhiều giải pháp, trong đó phấn đấu duy trì ổn định kim ngạch xuất khẩu, tạo tiền đề cho những năm tiếp theo.

Phóng viên VOV có cuộc phỏng vấn ông Phạm Đức Tiến, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội về nội dung này.

PV: Thưa ông, 9 tháng qua, hoạt động xuất nhập khẩu của Hà Nội đạt được những kết quả gì đáng ghi nhận?

abc.jpg
Ông Phạm Đức Tiến
Ông Phạm Đức Tiến: Trong nhiều năm qua, kinh tế Thủ đô phát triển mạnh. Tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm đạt 14% -15% và được đánh giá là thành phố có sự tăng trưởng công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu tốt.

Tuy nhiên, năm 2013, tình hình kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, xuất nhập khẩu của thành phố Hà Nội phát triển không được như các năm trước. Năm nay, dự kiến tốc độ tăng trưởng của thành phố giảm so với năm 2012 (giảm 1,5%).

Nguyên nhân là do mặt hàng nông sản năm nay có tỷ trọng cao nhưng xuất khẩu giảm. Bên cạnh đó, các nước quan tâm tới hàng nội địa nên hạn chế hàng xuất khẩu.  

Một nguyên nhân nữa là ảnh hưởng của giá. Trong điều kiện hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu càng cần vốn lớn. Nhà nước vừa qua có nhiều chính sách giảm lãi suất. Tuy nhiên cần, cần tiếp tục giảm lãi suất tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu.

PV: Hiện nay Hà Nội có những nhóm ngành hàng chủ lực nào để duy trì ổn định kinh tế nói chung và đảm bảo kim ngạch xuất khẩu nói riêng, thưa ông?

Ông Phạm Đức Tiến:Năm 2013 có một số nhóm ngành hàng có sự phát triển tích cực. Đây là yếu tố khả quan cho tốc độ tăng trưởng của Hà Nội trong thời gian tới.

Hà Nội hiện có khoảng hơn 50 sản phẩm chủ lực và đều phát triển. Một số mặt hàng có thể xuất khẩu lớn như dệt may, da giầy, thủ công mỹ nghệ và điện tử là những mặt hàng tập trung cho xuất khẩu tốt. Ví dụ như hàng dệt may tỷ trọng chiếm 12,1% và tốc độ tăng trưởng đạt 14,3%; điện điện tử tăng 4,6%; thủ công mỹ nghệ tăng 11,9%, da giầy tăng 23%.

Chúng tôi cho rằng, những sản phẩm công nghiệp năm nay tăng cao và khả quan cho những năm tới.

PV: Đứng trước tình hình hiện nay, Hà Nội tiếp tục có những giải pháp nào để thúc đẩy xuất khẩu thưa ông?

Ông Phạm Đức Tiến:Ngay từ đầu năm 2013, Sở Công Thương Hà Nội đã tham mưu cho thành phố xây dựng kế hoạch về các giải pháp xuất khẩu trong năm 2013. Các giải pháp này tập trung tạo điều kiện cho thị trường xuất khẩu tăng trưởng.

Giải pháp đầu tiên là tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Hà Nội thành lập các tổ đến các doanh nghiệp tập trung tìm các giải pháp tháo gỡ. Thành phố Hà Nội cũng xây dựng các cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp. Ví dụ như cơ chế hỗ trợ lãi suất sau đầu tư.

Thành phố cũng đang xây dựng cơ chế hỗ trợ lãi suất khi doanh nghiệp vay vốn lưu động. Đây là giải pháp thành phố rất quan tâm. Bên cạnh đó, thành phố tập trung mở rộng thị trường xuất khẩu.

Năm 2013, thành phố dành khoảng 50 tỷ đồng để tập trung xúc tiến xuất khẩu. Ngoài các thị trường các doanh nghiệp đã xuất khẩu như thị trường Mỹ, EU… chúng tôi mở ra các thị trường mới như Nam Phi, Brazil, Nam Mỹ…Một số doanh nghiệp đã ký được biên bản ghi nhớ để xuất khẩu sang thị trường Brazil.

Bên cạnh đó, năm nay thành phố đặt là năm cải cách hành chính vì vậy tạo các điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp. Chúng tôi cho rằng, các sở, ban ngành đã có nhiều cải cách hành chính, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động tốt để tăng trưởng. Thành phố cũng rất quan tâm thu hút đầu tư để tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế Thủ đô./.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông!./.