Mới đây, tập hợp gần 800 doanh nghiệp vừa và nhỏ kinh doanh trong lĩnh vực gas tại các tỉnh miền Bắc đã có đơn kiến nghị lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh về việc cân nhắc, xem xét không sửa quy định hạ chuẩn điều kiện kinh doanh gas.

bon_chua_gas_wuvb.jpg
Hạ chuẩn điều kiện kinh doanh sẽ dẫn đến tình trạng các thương nhân không đủ năng lực được kinh doanh tràn lan. (Ảnh minh họa: KT)
Trong đơn kiến nghị của mình, ông Lê Xuấn Tuyến, Giám đốc Công ty CP Việt Xô Gas đại diện cho hơn 300 doanh nghiệp kinh doanh gas ở Thái Bình cho rằng, để đáp ứng đủ điều kiện của thương nhân phân phối LPG cấp 1 phải có bồn chứa 800 mét khối và 300.000 vỏ bình (theo quy định tại Nghị định 107/2009/NĐ-CP), các doanh nghiệp đã phải vay vốn ngân hàng với một khoản tiền lớn để đầu tư cơ sở hạ tầng. 

Trước đó, Nghị định 19/2016/NĐ-CP ra đời thay thế Nghị định 107 đã tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh gas, vì quy chuẩn bồn chứa đã giảm còn 300 mét khối và 100.000 vỏ bình. Nhưng thời gian gần đây, một số đơn vị nhân danh doanh nghiệp gas đề nghị tiếp tục hạ quy định về bồn chứa và số lượng vỏ bình thấp hơn quy chuẩn này đã dẫn đến một số bất cập, làm ảnh hưởng đến công tác an toàn cháy nổ, ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

“Gas là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, cần đầu tư trang thiết bị đầy đủ, bài bản, hướng đến mục tiêu kinh doanh lâu dài. Nếu tiếp tục hạ chuẩn điều kiện kinh doanh sẽ dẫn đến tình trạng các thương nhân không đủ năng lực được kinh doanh tràn lan, ảnh hưởng đến những doanh nghiệp làm ăn chân chính, nghiêm túc tuân thủ các quy định kinh doanh gas”, ông Tuyến đề xuất.

Hơn nữa, đại diện Công ty CP Việt Xô Gas còn cho rằng, trên thị trường vẫn còn tình trạng chiếm dụng vỏ bình; nhiều điểm sang chiết đã tiến hành cưa tai, mài nhãn để sang chiết gas lậu diễn ra khá phổ biến. Điều này dẫn đến việc khi xảy ra sự cố cháy nổ sẽ không có căn cứ để xử lý và truy cứu trách nhiệm.

Với những bất cập nêu trên, ông Tuyến đề nghị giữ nguyên quy định về bồn chứa, vỏ bình như Nghị định 19 hiện hành. Đồng thời giữ nguyên quy định về điều kiện trạm chiết vào bình phải thuộc sở hữu của thương nhân đầu mối để gắn trách nhiệm khi xảy ra sự cố.

Còn theo quan điểm của ông Nguyễn Minh Châu, Giám đốc Công ty Dầu khí Thanh Hóa - đại diện cho hơn 450 doanh nghiệp kinh doanh gas tại Thanh Hóa thì nếu Chính phủ tiếp tục hạ thấp các điều kiện kinh doanh gas, Bộ Công Thương cần xem xét, bồi thường những khoản vay ngân hàng mà các doanh nghiệp đã đầu tư để đáp ứng tốt, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của Nghị định 107 trước đây cũng như Nghị định 19 hiện nay.

Gần đây, tại một Hội nghị do Bộ Công Thương tổ chức lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp về quy định, thủ tục hành chính, nhiều doanh nghiệp kinh doanh gas cũng đã đồng loạt đưa ý kiến về  quy định tại Nghị định 19 quy định về điều kiện kinh doanh gas.

Khi đó, ông Trần Trung Nhật, một doanh nghiệp kinh doanh gas ở Tây Ninh cho rằng, Nghị định 19 có quy định doanh nghiệp phải có 100.000 vỏ bình, có 300 mét khối khí và 20 đại lý mới được cấp giấy phép làm thương nhân phân phối khí. “Với quy định này, để có giấy phép doanh nghiệp sẽ phải ra làm việc với Bộ Công Thương, điều này gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Nhật bày tỏ.

Bày tỏ quan điểm về quy định tại Nghị định 19, bà Phạm Thị Hiền Lương, đại diện các doanh nghiệp kinh doanh khí ở Bình Định cũng cho rằng, cần thay đổi quy định về số lượng vỏ bình và dung lượng khí để phù hợp với dân số của từng vùng, miền.

Bởi lẽ, để đáp ứng quy định chung, nhiều doanh nghiệp sẽ phải tiếp tục vay vốn đầu tư, trang bị trong khi nhu cầu cung cấp chủng loại gas không quá lớn. Điều này làm gia tăng áp lực đối với doanh nghiệp kinh doanh gas, và nếu không đáp ứng đủ điều kiện, doanh nghiệp sẽ dễ dẫn đến tình trạng phá sản./.