Sáng 27/6, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) tổ chức Hội nghị pháp chế doanh nghiệp thường niên 2014. Hội nghị lần này bàn các giải pháp thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước.

Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, tính đến ngày 4/6, cả nước đã thực hiện sắp xếp được 5.971 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa được 4.066 doanh nghiệp. Riêng 5 tháng đầu năm 2014 đã cổ phần hóa được 17 doanh nghiệp, trong đó có 13 Tổng Công ty.

Hiện nay, chính sách cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước được quy định tại Nghị định 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 về chuyển đổi doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần, thay thế Nghị định 109/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 đã giải quyết được đa số những vướng mắc gây cản trở quá trình cổ phần hóa.

cph_imls.jpgCác đại biểu tham dự hội nghị.
Các tham luận tại hội nghị đã chỉ ra rằ­­­­­­­­­­ng, đến thời điểm hiện nay, cơ chế chính sách về cổ phần hóa đã được ban hành đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi và phù hợp với các tình hình thực tế theo hướng công khai, minh bạch theo nguyên tắc thị trường,khắc phục tình trạng cổ phần hóa khép kín trong nội bộ doanh nghiệp. Cổ phần hóa đã gắn với phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán…

Tuy nhiên, việc cổ phần hóa các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước theo quyết định của Thủ tướng chính phủ đến nay diễn ra vẫn còn chậm. Vướng mắc nổi cộm nhất trong toàn bộ quá trình là công tác chuẩn bị với việc xác định mô hình cổ phần hóa cũng như giá trị doanh nghiệp. Ngoài ra, công tác pháp chế trong từng doanh nghiệp còn chưa sâu sát, việc xử lý những vấn đề tài chính phát sinh trong cổ phần hóa còn lúng túng, chưa triệt để đã làm tiến trình cổ phần hóa mất nhiều thời gian.

Bàn giải pháp nhằm tăng tốc cổ phần hóa doanh nghiệp, thực hiện đạt mục tiêu cổ phần hóa 432 doanh nghiệp trong thời gian 2 năm 2014- 2015, các đại biểu đều cho rằng, khối doanh nghiệp nhà nước cần cương quyết hơn trong việc thực hiện việc tái cơ cấu, trọng tâm là cổ phần hóa theo phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong đó, các doanh nghiệp nhà nước tập trung vào các lĩnh vực then chốt, thiết yếu, địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh…

Ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng, các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung thảo luận, hoàn thiện các cơ chế chính sách. Trong đó chú trọng tháo gỡ các khó khăn mới phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện, cụ thể bằng việc xác định đối tượng cổ phần hóa, điều kiện cổ phần hóa đến việc định giá doanh nghiệp.

“Công tác chuẩn bị cổ phần hóa là vô cùng quan trọng. Việc định giá tài sản doanh nghiệp thực ra không khó nếu làm tốt công tácquyết toán khấu hao vốn, tài sản hàng năm. Ngoài ra, vớimột số doanh nghiệp có giá cổ phần cao, kể cả giảm giá nhiều lần vẫn không bán được thì rất cần được phê duyệt đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán hay doanh nghiệp bảo hiểm, qua đó hỗ trợ, thu hút và khuyến khích nhà đầu tư tham gia mua cổ phần”, ông Tiến ví dụ.

Kết luận hội nghị, đại diện Bộ Tư pháp cho rằng, những người làm công tác pháp chế tại các doanh nghiệp cần tích cực trao đổi kinh nghiệm, nâng cao năng lực trong việc xây dựng mục tiêu cổ phần hóa cho doanh nghiệp nhà nước; tư vấn, tham mưu cho lãnh đạo doanh nghiệp nắm rõ những quy định hiện hành, đề ra những phương án tối ưu tìm cách tháo gỡnhững vướng mắc khó khăn, đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa./.